TS Vũ Thành Tự Anh chỉ cách giúp hàng loạt chuỗi F&B lớn Golden Gate, The Coffee House, KFC... tiếp cận được gói tín dụng 600.000 tỷ của ngân hàng
Bên cạnh đó phải nhìn vào lịch sử đóng thuế, tốc độ tăng trưởng lao động thì sẽ có những tiêu chí khác để đánh giá độ lành mạnh của các doanh nghiệp này trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Hồi đầu tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch COVID-19 với 7 giải pháp trọng tâm.
Các giải pháp tập trung được Thủ tướng nêu ra, trước hết là tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử, đáng chú ý là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng. Sau đó ít lâu, NHNN cho biết gói tín dụng đã nâng lên 285.000 tỷ đồng khi có thêm nhiều ngân hàng muốn tham gia. Và mới đây, Thủ tướng cho biết hiện gói tín dụng của các ngân hàng đã lên tới 300.000 tỷ đồng. Ngày 17/4, gói tín dụng này được nâng quy mô lên 600.000 tỷ đồng không chỉ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà cả nhóm các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn và cả khách hàng cá nhân.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 22/4, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng đã yêu cầu các Ngân hàng thương mại đẩy nhanh và đơn giản hóa hơn nữa thủ tục vay vốn vì vẫn có những phản ánh khó tiếp cận vốn vay. Số liệu từ VTV cho biết khoảng 511.000 tỷ đồng cho vay mới, gần 63.000 tỷ đồng đã được cơ cấu nợ, giãn nợ.
Doanh nghiệp than khó vì không tiếp cận được vốn
Tuy nhiên thực tế nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng. Hơn chục địa điểm của chuỗi nhà hàng Thế giới hải sản đều đã phải đóng cửa từ đầu tháng 4. Muốn vay vốn để đẩy mạnh bán hàng trực tuyến nhưng doanh nghiệp lại không đủ tài sản thế chấp vì tất cả cửa hàng đều đi thuê.
"Đề nghị Chính phủ nới lỏng các điều kiện về tài sản thế chấp, doanh thu và dòng tiền để chúng tôi thực sự tiếp cận được dòng vốn này. ", ông Đoàn Minh Phú, Tổng giám đốc chuỗi nhà hàng Thế giới hải sản kiến nghị khi trả lời phỏng vấn VTV.
Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, đại diện Công ty Chảo Đỏ (Red Wok), sở hữu các chuỗi nhà hàng ở TP.HCM và các địa phương lân cận, cũng cho biết đã gặp khó khăn khi tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng bởi các ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì trong tình huống dịch bệnh, vẫn đòi tài sản thế chấp nếu muốn được tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động.
Hoặc một ông lớn khác là Golden Gate - chuỗi F&B dẫn đầu thị trường và trụ khá vững trong thời gian dịch bệnh vừa qua nhưng cũng đang gặp khó trong tiếp cận gói tín dụng.
Theo đại diện Golden Gate, một số ngân hàng thương mại có hỗ trợ giãn nợ, muốn vay thêm phải có bất động sản đảm bảo, nhưng đối với ngành F&B, mặt bằng chủ yếu là thuê, không có nhiều bất động sản là tài sản đảm bảo.
Mới đây chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cùng từng chia sẻ thực trạng này trong một buổi hội thảo trực tuyến nhằm tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp hậu Covid-19. Ông nói: "Tôi nghĩ Ngân hàng nhà nước nên có thông tin để chúng ta biết được ai là người đang được hưởng gói này. Tôi nghĩ rằng những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn. Mỗi ngày tôi nhận được điện thoại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ kêu ca rằng đến hỏi ngân hàng mà nhiều ngân hàng nói rằng chúng tôi chưa có hướng dẫn, đang chờ hướng dẫn. Nhiều ngân hàng khác thì nói rằng hiện tại chúng tôi chưa thể cho vay được vì không có tài sản thế chấp, doanh nghiệp đang đóng cửa một phần nào đó, chúng tôi rất tiếc không thể cho vay".
Các ngân hàng cho biết đa số các doanh nghiệp lớn được xét duyệt giảm lãi suất, giãn nợ nhanh chóng tuy nhiên với các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh do không minh bạch sổ sách nên việc xét duyệt hỗ trợ sẽ mất nhiều thời gian hơn.
"Khi đánh giá một khách hàng chúng tôi không chỉ nhìn vào báo cáo tài chính hay tài sản của họ mà còn nhìn vào cả dòng tiền. Vì khi xem xét một khách hàng chúng tôi cũng sẽ làm việc với cả các nhà cung cấp hay công ty phân phối cho họ để biết được dòng tiền khi nào doanh nghiệp nhận được nhằm quản trị rủi ro", ông Vishal Shah, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng Techcombank chia sẻ với VTV.
Các ngân hàng chia sẻ nguồn vốn cho vay ưu đãi chủ yếu là nguồn tiền gửi từ dân cư, không phải nguồn hỗ trợ từ ngân sách do đó các ngân hàng cũng phải thận trọng để đảm bảo an toàn vốn, tránh rủi ro nợ xấu.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, giám đốc trường chính sách công và quản lý đại học Fulbright Việt Nam
Đề cập về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, giám đốc trường chính sách công và quản lý đại học Fulbright Việt Nam cho biết với các doanh nghiệp như du lịch, F&B đa số đều đi thuê mặt bằng mà phải đi chứng minh phải có tài sản thế chấp thì hiển nhiên với các doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên nếu ngân hàng nhìn vào cơ sở khách hàng của họ, nhìn vào tăng trưởng khách hàng, tăng trưởng lợi nhuận, hoạt động kinh doanh trong 1 năm trở lại đây, nhìn vào lịch sử đóng thuế, tốc độ tăng trưởng lao động thì sẽ có những tiêu chí khác để đánh giá độ lành mạnh của các doanh nghiệp này trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Nếu các doanh nghiệp này đạt được yêu cầu đó thì không nhất thiết chứng minh được các điều kiện như doanh thu, tài sản thế chấp họ vẫn có thể được tiếp cận tín dụng. Như thế vừa chính xác, gọn gàng, giảm bớt gánh nặng của doanh nghiệp và ngân hàng.
"Để tăng tốc độ hỗ trợ của chính sách cần thứ 1 là Nhà nước (Cơ quan làm chính sách), thứ 2 là ngân hàng (tổ chức thực thi chính sách), thứ 3 là doanh nghiệp (tổ chức thụ hưởng chính sách). Nếu như chúng ta có được những trung gian tốt kết nối được 3 đối tượng chính sách này với nhau thì đó sẽ giúp cho việc tăng độ hiệu quả cũng như tốc độ dẫn truyền chính sách.
Ví dụ các công ty kiểm toán như EY hay pwc có những ấn phẩm nói rõ để một doanh nghiệp muốn vay vốn, tiếp cận được các gói tín dụng thì ở Anh cần hồ sơ như thế này, ở Mỹ hồ sơ như thế kia. Điều đó có nghĩa nếu một công ty tư vấn nào đó như thế thực hiện dịch vụ của họ ở Việt Nam như vậy thì sẽ giúp cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan làm chính sách để 3 đối tượng này có chung một mục tiêu, chúng một tiếng nói", Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh đề xuất thêm để việc thực thi các gói hỗ trợ nhanh chóng đạt hiệu quả.
TIN CŨ HƠN
- Online hay là chết - Lựa chọn khắc nghiệt mùa Covid: Doanh nghiệp của bạn chọn dẫn dắt làn sóng số hay để nó cuốn trôi?
- Bộ Công Thương chỉ ra những vấn đề về giá thịt lợn
- Nhân công, mặt bằng, lãi ngân hàng... đâu là gánh nặng lớn nhất của doanh nghiệp Việt thời COVID-19?
- Dịch Covid-19 đã khiến các nhà bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử ở Đông Nam Á thay đổi thế nào?
- Qua rồi thời quảng cáo bát nháo: Khách hàng sẽ tìm đến người bán hàng "có tâm". Những kẻ vô đạo đức dù "hót" hay cỡ nào cũng sẽ bị đào thải!
- Sai lầm cần tránh trong thiết kế cửa hàng bán lẻ
- Yếu thế hàng Việt
- Bao bì “kìm” đầu ra
- Thanh lý trả mặt bằng, dọn kho bán lỗ: Không chỉ là chiêu trò giảm giá bán hàng, đó là cả một chiến thuật về tâm lý
- Ba điểm yếu của thị trường bán lẻ Việt Nam