Vì đâu startup non trẻ Abivin được hàng loạt ông lớn từ Tân Cảng, Habeco, Cô gái Hà Lan giao phó bài toán cắt giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí logistics?
"Lĩnh vực B2B (business to business) là chuối, khoai đấy, không dễ đâu. Một khách hàng em sell (bán hàng) mất 3-5 tháng có khi cả năm trời mà mỗi năm em thu 10.000 – 80.000 USD/khách hàng, làm sao em thành unicorn được, chả lẽ em xây cả trăm năm?", Shark Dũng trong chương trình Shark Tank chất vấn hai co-founder của Abivin, một doanh nghiệp cung cấp phần mềm giải toán trong lĩnh vực logistic giúp doanh nghiệp tiêt kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành. Abivin muốn huy động 200.000 USD đổi lấy 5% cổ phần thông qua Shark Tank.
"Bọn em có thể là unicorn đầu tiên của khu vực, và đó là lý do bọn em ở đây", CEO kiêm co-founder của Abivin trả lời.
Phạm Nam Long và Nguyễn Hoàng Anh là hai vợ chồng, cùng thành lập ra một startup phát triển thuật toán tối ưu để giải quyết bài toán định tuyến đường đi, giúp doanh nghiệp tiết kiệm 30% chi phí logistics.
Là một cựu học sinh chuyên toán Trường Chuyên Sư Phạm Hà Nội, đạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế trong môn toán, tin học và Vật Lý, tốt nghiệp Đại học Cambridge (Anh) chuyên ngành Khoa học máy tính, sau đó lấy bằng thạc sỹ tại Đại học Bristol ngành Máy học, có thời gian làm việc tại Google ở Mountain View (Mỹ), Phạm Nam Long tự tin rằng thuật toán của mình rất khó các startup khác có thể giải được và anh có thể giúp chủ doanh nghiệp quản lý được quy trình vận hành trong chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Anh (hay còn gọi là Cassie Nguyễn) tốt nghiệp ngành kinh doanh quốc tế tại Phần Lan. Cô có kinh nghiệm tại một công ty Third Party Logistic (3PL - Dịch vụ cung ứng trọn gói) và công ty về phần mềm Sixth Gear Studios. Hiện Hoàng Anh đảm nhiệm vị trí COO (giám đốc vận hành) của Abivin.
"Chúng tôi phát triển thuật toán tối ưu để giải quyết bài toán định tuyến đường đi. Có 1.000 đơn hàng, làm sao chúng ta có thể sinh ra một lộ trình tối ưu cho 40 người giao hàng? Mà trong đó phải thỏa mãn ít nhất 20 điều kiện khác nhau, ví dụ như thời gian đóng mở cửa hàng khác nhau, giới hạn về trọng lượng, thể tích của các xe vận chuyển.... Hiện nay không có hệ thống nào giúp các doanh nghiệp quản lý quy trình vận hành trong cuỗi cung ứng của mình, và thuật toán của Abivin giúp các doanh nghiệp giải bài toán đó", CEO Abivin chia sẻ.
Thay vì phải dành thời gian 6 tiếng đồng hồ lên kế hoạch trên giấy tờ để phân tuyến, giờ đây người điều phối đội xe chỉ mất vài phút là ra, tiết kiệm thời gian vận hành, theo dõi realtime và báo cáo. Phần mềm của Abivin yêu cầu tài xế đến tọa độ đó mới có thể check-in hoặc có OTP của cửa hàng, tránh tình trạng tài chế không đi ship hàng và báo cáo không đúng.
Abivin đã đạt được một vài giải thưởng rất đáng nể như vô địch cuộc thi Startup World Cup 2019 diễn ra tại Mỹ, giải "Startup về Logistics và Chuỗi cung ứng tốt nhất" tại Giải thưởng khởi nghiệp Đông Nam Á Asean Rice Bowl Startup Award. Trước đó, công ty này là quán quân cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Techfest Vietnam 2018. Trong cuộc thi Shark Tank, Shark Dzũng đã thỏa thuận với Abivin đầu tư 100.000 USD đổi lấy 10% cổ phần và 100.000 USD cho vay dưới dạng trái phiếu. Tuy nhiên sau chương trình, do không thỏa thuận được giữa hai bên nên Abivin không bắt tay với Shark Dzũng. Công ty nhận tiền đầu tư của chương trình hỗ trợ ươm mầm khởi nghiệp sáng tạo của chính phủ Phần Lan và được một quỹ nước ngoài khác rót vốn.
Năm 2018, sau khi lên Shark Tank, Abivin được mời tham dự Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TechFest do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức, sau đó Fenox Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm tuyển chọn các công ty tham dự cho Startup World Cup trong thời gian tham gia TechFest đã gửi hồ sơ của Abivin dự thi. Cuộc thi này có 30.000 công ty trên khắp toàn cầu dự thi, vào vòng bán kết có 36 đội và chung kết có 12 đội, trong đó Abivin là đại diện Đông Nam Á duy nhất, bên cạnh các anh tài của Mỹ (3 đội), Bắc Âu (3 đội) và Nhật Bản, Hàn Quốc. Họ đều là những đội rất mạnh, đa phần đều có học vấn PhD sở hữu các công nghệ hàng đầu thế giới. Abivin như một hạt hát trên sa mạc tham gia với tinh thần học hỏi là chính, cuối cùng ..vô địch.
"Điều đó cho thấy công nghệ giải quyết bài toán về logistics của mình được cả thế giới quan tâm, công nghệ mình đang làm sánh ngang với Sillicon Valley đang làm, đó là điều ý nghĩa nhất của chuyến đi chứ không phải giải thưởng", Cassie chia sẻ. Chính cô, một cô gái Việt Nam nhỏ bé đã thuyết phục được ban giám khảo khó tính của cuộc thi Startup World Cup và mang về 1 triệu USD cho Abivin.
Trong một chương trình do Lean in Việt Nam tổ chức, COO của Abivin Cassie Nguyễn đã chia sẻ các khó khăn và thách thức trong quá trình khởi nghiệp ở Việt Nam.
Tóc suôn dài ngang lưng, mảnh dẻ như người mẫu, ăn mặc thời trang và rất xinh đẹp, nếu ở ngoài nhìn Cassie Nguyễn giống như một cô hot girl làm việc trong ngành marketing nhiều hơn là một COO của một startup về công nghệ.
Sau khi tốt nghiệp đại học tại Phần Lan, Cassie luôn suy nghĩ về việc sẽ ở lại Châu Âu để học master hay về Việt Nam. Ngày bé, mơ ước của cô là làm việc cho một công ty đa quốc gia, nhưng sau này khi tiếp xúc với công nghệ, cô nhận ra rằng đây là ngành có thể mang lại sự tăng trưởng đột phá và có nhiều cơ hội tạo ra một tầm ảnh hưởng nhất định. Do đó, mặc dù đã có học bổng và chuẩn bị hết các giấy tờ thủ tục, Cassie đã làm tất cả mọi người trong gia đình ngỡ ngàng với quyết định sẽ ở lại Việt Nam khởi nghiệp.
"Tôi nhận thấy rằng hiện nay ai cũng nhận ra công nghệ là xu hướng. Nhưng bắt tay vào làm mới biết, vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa lý thuyết và ứng dụng công nghệ vào vận hành. 90% công ty logistics hiện nay vận hành rất thủ công. Nếu mình là người có khả năng, kiến thức và được tiếp xúc với công nghệ mới nhất, tại sao mình không kéo nó vào lĩnh vực truyền thống để thu nhỏ khoảng cách đấy, xây dựng một công ty là một trải nghiệm rất thú vị", Cassie chia sẻ về hứng thú với lĩnh vực công nghệ.
Abivin hiện nay có 10 khách hàng lớn, đều là các khách hàng tên tuổi như Friesland Campina (cô gái Hà Lan), P&G, Highlands Coffee, Tân Cảng Sài Gòn, Habeco, Mesa Group, ngoài ra còn có khách hàng tại Myanmar và Singapore.
Khách với Grab theo mô hình C2C (customer to customer), mô hình B2B (business to business) của Abivin, theo nhận xét là rất khó để mở rộng, vì các khách hàng là đối thủ của nhau sẽ không dùng cùng một nền tảng vì sợ lộ thông tin. Quan trọng hơn, một khách hàng đơn lẻ có thể thử nghiệm một sản phẩm, nhưng với một công ty hay tập đoàn lớn, B2B ảnh hưởng đến quy trình nội bộ và cách thức hoạt động của họ nên không dễ dàng áp dụng những cái mới, sẽ phải có track record (thành tích) nhất định để khách hàng có thể tin tưởng việc áp dụng công nghệ mới sẽ mang lại kết quả.
Khách hàng sẽ đặt câu hỏi "đã có công ty nào sử dụng phần mềm này chưa, đã thành công chưa hay mới đang thử nghiệm? Tôi làm chuột bạch à?". Để giải bài toán nan giải này, đội ngũ Abivin chọn lựa khách hàng đầu tiên một cách thông minh. Đó có thể là khách hàng top đầu trong lĩnh vực mình hướng đến.
"Đầu tiên làm thế nào chọn được khách hàng đầu tiên và biến họ thành khách hàng chiến lược, mở rộng 5 khách hàng tiếp theo và giúp họ thành công, sau đó mang tập khách hàng thành công đó đi quảng bá sau". Cassie cho rằng, với B2B, sale quan trọng hơn marketing trong giai đoạn đầu. Khi đã có tập khách hàng đủ mạnh, cộng đồng doanh nghiệp có thể giới thiệu cho nhau hoặc các doanh nghiệp khác thấy mô hình đó thành công có thể bắt chước theo.
Abivin cho hay công ty có hai nguồn chính: một là phí phát triển và triển khai một lần (10.000-80.000 USD/năm). Hai là phí bản quyền phần mềm người dùng, khoảng 10 – 15 USD/user/tháng.
Nhắc đến những khó khăn khi vận hành một startup, Cassie cho rằng thử thách của mình là công ty đang phát triển nhanh và mình phải bổ sung các kỹ năng quản lý vì trước đó chưa từng có kinh nghiệm. "Quan trọng nhất là việc xây dựng đội ngũ nhân sự có thể phát triển hết khả năng của mình cống hiến và cùng công ty phát triển lên một tầm cao mới", Cassie chia sẻ.
Ban đầu không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, nhưng COO của Abivin cho rằng, quan trọng nhất là sẵn sàng học hỏi. " Ở Việt Nam các bạn hay ngại hỏi hoặc nếu không biết thì cảm thấy không cool cho lắm nếu mọi người nói gì mà mình không hiểu. Hồi đầu mới vào mình cũng không biết back end, front end như thế nào, đến giờ này mới biết từ khóa đó là gì, quan trọng là biết quy trình vận hành như thế nào". Theo Cassie, dù bạn được đào tạo ở ngành nào sẽ có những từ ngữ kiến thức về ngành bắt buộc phải học, không ai biết tất cả mọi thứ và nếu quyết tâm học từ đồng nghiệp, tự trau dồi kiến thức thì sẽ thành công.
Cassie chia sẻ, "làm startup rất khó, không phải cho tất cả mọi người". Mình phải chuẩn bị không chỉ về mặt tài chính, kiến thức mà quan trọng nhất là phải nắm được chìa khóa mà người khác rất khó có thể theo kịp hoặc có rào cản để bắt chước. "Bạn có sẵn sàng theo đuổi công việc trong vòng 10 năm tới không, nếu đã xác định khởi nghiệp thì phải xác định có lúc phải bán nhà, bán xe, bán tài sản và theo đuổi nó trong trong 10 năm, bạn sẽ khởi nghiệp một mình hay có co-founder nào khác, và làm thế nào để tìm được những người cộng sự với mình từ những bước đầu tiên", COO Abivin chia sẻ.
Startup thay đổi theo từng giai đoạn và người sáng lập không có chìa khóa thần kỳ cho tất cả các thử thách đó, điều quan trọng là "Không từ bỏ" và luôn sẵn sàng cho các thử thách tiếp theo, "thuyền to sóng to".
Là một phụ nữ, Cassie còn phải cân bằng giữa công việc và gia đình. Cô chia sẻ ở Việt Nam phụ nữ ra ngoài làm việc luôn bị hỏi bao giờ lấy chồng đẻ con, tại sao không giành thời gian cho gia đình? "Mình phải trao đổi lại với mọi người định nghĩa của con với gia đình không phải về nhà đúng giờ vì thời điểm hiện tại mục tiêu con đang hướng đến là công việc và con vẫn cảm thấy hạnh phúc. "Tại sao mọi người hay gán mác phải thế này thế kia mới là hạnh phúc?".
Hai vợ chồng cùng vận hành một startup, Cassie cho rằng điểm mạnh ở đây là hai co-founder tuyệt đối tin tưởng lẫn nhau để người còn lại sẽ làm tốt nhất lĩnh vực của họ. Điểm yếu là sẽ có những lúc hai vợ chồng bất đồng quan điểm nhưng mọi chuyện phải rạch ròi, đôi khi cần sẽ có người tư vấn lấy ý kiến.
Abivin hiện có 50 nhân viên full-time. Cassie chia sẻ, đến một giai đoạn cần tăng trưởng nhanh hơn thì startup nên nhận vốn nguồn lực bên ngoài, để vượt qua "bẫy tử thần" trong 2 năm đầu tiên của startup.
Abivin hiện đã mở rộng ở 3 quốc gia và đặt mục tiêu đạt 1 triệu active user vào năm 2023 với 320 khách hàng chính.
Theo:Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Bị nhân viên thu ngân tỏ thái độ "đuổi khách", một lập trình viên đã nghĩ ra ý tưởng startup ghi nhận phản hồi khách hàng, thu về cả chục triệu đô mỗi năm
- Nữ giảng viên bỏ việc, bị từ chối 100 lần khởi nghiệp startup thiết kế tỷ đô, cứ 33 giây lại có một sản phẩm mới ra đời!
- Câu chuyện "gọi vốn từ cộng đồng" cho một chuỗi cà phê và cái nhìn của người làm kinh doanh về hình thức crowdfunding này
- Đào Chi Anh gọi vốn cộng đồng 200.000 USD để xây dựng lại The KAfe
- Chân dung doanh nghiệp bí ẩn 20 năm bán kệ hàng cho Unilever, Big C, Lotte, Toyota, Trung Nguyên tại Việt Nam
- Bí quyết thành công của một thanh niên giao đồ ăn trở thành ông chủ chuỗi 70 nhà hàng khắp Hong Kong và Trung Quốc đại lục
- Câu chuyện du lịch 4.0 của Thiên Minh Group: Từ đội quân 35 người vật vã cầm bảng đón 1.000 khách/ngày, nghe khách "chửi" như cơm bữa, nay giảm xuống còn 1 người, doanh thu tăng 10 triệu USD
- Chia sẻ của CEO bỏ Google về Việt Nam khởi nghiệp: startup trong mảng deep tech là ít rủi ro nhất: 3 lít nước 2 miếng pizza/ngày, 1 chiếc máy tính, vậy là đủ!
- Kinh nghiệm gọi vốn triệu USD của startup Việt
- Từ nghệ nhân cắt tay 52 bộ vest/ngày đến ông chủ Chương Tailor: “Nếu chỉ vì vải tốt, sẽ chẳng sản phẩm nào của tôi có giá 600 triệu đồng”