Vissan báo lãi quý 1 tăng hơn 19%
CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2020. Theo đó, do cách ly xã hội nên các mặt hàng của Vissan dường như được tiêu thụ nhiều hơn cùng kỳ 2019, doanh thu quý này đạt gần 1.468 tỷ đồng, tăng 20,9% cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp đạt 20%, giảm nhẹ so với số cùng kỳ 2019.
Chi phí bán hàng chiếm đa số tổng chi phí của công ty, đạt 183,3 tỷ đồng, tăng 24% cùng kỳ năm trước, trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 16%, còn 51,7 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế quý I/2020 của Vissan đạt 57,6 tỷ đồng, tăng 17%, lợi nhuận sau thuế đạt 46,5 tỷ đồng, tăng 19,3% cùng kỳ năm trước. EPS quý 1 đạt 313 đồng.
Tại thời điểm 31/3/2020, lượng hàng tồn kho của Vissan giảm đáng kể so với đầu năm, từ 655 tỷ xuống 531 tỷ. Công ty hiện có 344 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, công ty vay nợ khoảng 147 tỷ, đa phần là nợ ngắn hạn.
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra) là công ty mẹ của Vissan, sở hữu 67,76%, công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế (Anco – công ty con của Masan) nắm giữ gần 25% vốn.
Hiện nay sản phẩm của Vissan gồm 2 mảng chính là thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến. Visan đang sở hữu 2 trang trại và 3 nhà máy hiện đại, với mạng lưới phân phối tại 130.000 điểm bán hàng khắp Việt Nam. Năng lực giết mổ 2.400 con heo/ngày và 300 con bò Úc/ngày. Năm 2019, công ty cung cấp ra thị trường hơn 24.300 tấn thịt heo và 1.645 tấn thịt bò.
Năm 2019, nhờ giá heo tăng mạnh vào cuối năm, Vissan đạt doanh thu 4.993 tỷ, tăng gần 11,8% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế 226 tỷ, cao nhất 49 năm.
Năm 2019, Vissan bắt tay vào xây dựng Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Long An là dự án trọng điểm của VISSAN, diện tích 22,4 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD. Năm 2020, Vissan dự kiến cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình khu nhà xưởng chế biến, khu nhà xưởng giết mổ, khu phụ trợ và khu văn phòng, canteen… và đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Năm nay, Vissan xây dựng kế hoạch và triển khai chào bán các chủng loại thịt heo đông lạnh nhập khẩu cho các kênh phân phối đại lý, nhà hàng khách sạn… khi thị trường thiếu nguồn cung heo hơi do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi.
Châu Cao
Theo nguồn: CafeF
TIN CŨ HƠN
- Lợi nhuận Vincom Retail xuống thấp nhất 2 năm sau khi tung gói 300 tỷ đồng hỗ trợ các đối tác vượt qua dịch Covid-19
- Chiếm 65% thị phần xúc xích nội địa, giá thịt heo tăng khiến Vissan báo lãi quý 1 tăng hơn 19%
- Doanh nghiệp từng bước tái khởi động
- Thêm 1 thương hiệu hàng đầu bán cho người Thái, ông chủ kín tiếng thu về hơn 5.000 tỷ đồng giữa lúc khó khăn dịch bệnh
- Digiworld “vớ bở” trong quý I/2020: Người người làm việc và học tập ở nhà mùa dịch, doanh thu laptop và smartphone tăng vọt
- Hàng loạt chuỗi bán lẻ lớn Golden Gate, The Coffee House, KFC... gửi thư cầu cứu lên Chính phủ và các Bộ: Nếu doanh nghiệp không được hỗ trợ kịp thời, nguy cơ phá sản rất cao!
- Cách một DN “miễn nhiễm” với Covid-19: Đóng hết cửa hàng chuyển lên sàn TMĐT, thu gọn bộ máy chỉ 10 nhân viên thu về 2 tỷ đồng/tháng, tăng trưởng 30% mặc khủng hoảng
- TCH: Mở rộng kênh phân phối, doanh số bán xe bật tăng trong mùa dịch
- Doanh nghiệp “mệt mỏi” sau 1 quý “chiến đấu” với dịch Covid-19
- Doanh nghiệp trứng gà Ba Huân mất kênh bán hàng ở trường học, nhà hàng nhưng tăng ở siêu thị, 800 nhân viên vừa lo làm vừa lo chống dịch