Cảnh báo sức mua sắm, tiêu dùng của xã hội giảm quá mức
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dù tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5/2020 đã khởi sắc, tăng 26,9% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính chung, 5 tháng đầu năm nay, con số này giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá cả, thì sức mua của nền kinh tế, biểu thị qua chỉ số bán lẻ hàng hoá, thậm chí giảm tới 8,6% so với cùng kỳ. Tuy đỡ hơn mức giảm 9,6% của 4 tháng đầu năm, nhưng nếu so với mức tăng 8,5% của cùng kỳ năm ngoái thì đây quả là một chỉ số kinh tế vĩ mô rất đáng chú ý.
Cũng vì sức mua suy giảm, sản xuất – kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nên “sức khỏe” của hệ thống doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù bức tranh doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại đã và đang có một số tín hiệu tích cực, có những mảng màu tươi sáng đến từ số lượng doanh nghiệp thành lập mới, từ số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nhưng song song với đó vẫn là sự tiếp tục gia tăng đáng kể của số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tính chung 5 tháng đầu năm, có 48.621 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2019. Chưa kể, 5 tháng đầu năm, có 26.008 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 36,4% với cùng kỳ năm 2019 và hơn 6.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 48.324 doanh nghiệp, còn số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 21.707.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 84/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công. Nghị quyết được thực thi sẽ tác động tới cả phía cung và phía cầu, sức mua của nền kinh tế và nhờ thế, kinh tế Việt Nam sẽ từng bước được vực dậy.
Vẫn có 5 khó khăn, thách thức lớn với nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm 2020 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2020, diễn ra hôm 2/6 tại Hà Nội. Nhưng “danh sách” những khó khăn, thách thức này đã tương đối khác so với những khó khăn, thách thức được báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ hồi tháng 4/2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lo ngại xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước trong khu vực để thu hút nhà đầu tư chuyển dịch khỏi Trung Quốc. Và quan trọng không kém là nguy cơ tiềm ẩn phản ứng “quá mức” của thị trường với các thông tin xấu (COVID-19) dẫn đến việc giảm “quá mức” thói quen mua sắm, tiêu dùng của xã hội.
Sơn Mai
Theo nguồn: Nhịp cầu Đầu tư
TIN CŨ HƠN
- Chung tay kích cầu tiêu dùng sau dịch
- Bán lẻ chuyển hướng số hoá mạnh mẽ
- Ngành bán lẻ Việt Nam đón làn gió tái cấu trúc mang tên hậu Covid-19
- Ngành F&B hậu Covid-19: Phân tầng rõ rệt trước biến động, mở ra nhiều cơ hội lớn
- Giá rau, củ, quả giảm mạnh từ chợ cho đến siêu thị
- Việt Nam nhập khẩu 50.000 tấn thịt lợn từ đầu năm để tăng nguồn cung
- Covid-19 vừa châm ngòi cho một cuộc chiến mới giữa các ông lớn từ Grab, Now, Lazada cho tới Bách hóa xanh mang tên "Thực phẩm tươi sống"
- Kinh doanh buôn bán tấp nập sau quyết định nới lỏng cách ly xã hội
- 1,6 triệu m2 bán lẻ sinh tồn ra sao trong Covid-19
- Cắt giảm chi phí đầu tư: Cuộc đua của những “ông lớn” ngành bán lẻ