Covid-19 vừa châm ngòi cho một cuộc chiến mới giữa các ông lớn từ Grab, Now, Lazada cho tới Bách hóa xanh mang tên "Thực phẩm tươi sống"
Trong dịch, nhu cầu người dùng tăng cao và điều này khiến các doanh nghiệp thương mại điện tử như Lazada hay ông lớn nền tàng Grab không bỏ qua cơ hội.
Covid-19 châm ngòi "Cuộc chiến" hàng tươi sống giữa các doanh nghiệp TMĐT
Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn VTV, đại diện Lotte Mart Việt Nam cho biết “Hiện nay không có nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử tham gia vào ngành hàng tươi sống. Chúng tôi hiện đã và đang vận hành tốt lĩnh vực này. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn của Lotte Mart".
Tuy nhiên, thế trận đã thay đổi rất nhanh trong 2 tháng qua, các nhóm doanh nghiệp khác đua nhau mở dịch vụ này. Nhóm bán lẻ đa ngành có Bách hóa xanh của Thế giới di động. Nhóm nền tảng gọi xe công nghệ có Grab, Now tung dịch vụ đi chợ hộ. Nhóm thương mại điện tử có Lazada cũng vừa quyết định nhảy vào cuộc đua với khẳng định không phải là làm phong trào.
Cụ thể ví dụ như từ 14/4, Lazada khai trương ngành hàng thực phẩm tươi sống, giao nhanh 2 giờ. Đây là bước đi chiến lược của Lazada khi lần đầu tiên triển khai và mở rộng ngành hàng này.
“Thông thường ngành thương mại điện tử trên toàn cầu bắt đầu bằng bán đồ điện tử rồi mở rộng tự nhiên ra thời trang, mỹ phẩm, tạp hóa, cuối cùng là đồ tươi sống. Hàng tươi sống vốn đã nằm sẵn trong kế hoạch mở rộng ngành hàng tại Việt Nam và Covid-19 chỉ thúc đẩy nó diễn ra sớm hơn mà thôi. Với việc hợp tác với 10 đối tác chuyên về đồ tươi, chúng tôi bán từ thịt cho đến sữa và vận chuyển tới khách chỉ sau vài giờ đồng hồ“, ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam trả lời phỏng vấn VTV.
Tại chuỗi Bách hóa xanh của ông lớn Thế giới di động, trong dịch lượng đơn hàng online trung bình mỗi ngày có thể lên đến 5.000 đơn hàng, tăng 50% so với trước kia. Tuy nhiên, từ đây cũng lộ ra những hạn chế trong việc quản trị chuỗi cung ứng giao vận, gặp tình trạng hụt hàng, hoặc hàng chưa đáp ứng được nhu cầu của khách... bất chấp việc doanh nghiệp đã có sẵn chuỗi 500 cửa hàng bách hóa và các tổng kho. Do đó, dự kiến doanh nghiệp sẽ mở mới 3 trung tâm phân phối hiểu nôm na như các đại siêu thị chứa hàng để phục vụ việc giao đồ tươi sống online.
“Khâu lớn nhất của giao hàng tươi sống của Bách hóa xanh là giải quyết bài toán tồn kho chính xác. Phải thực sự đặt online phải có. Ví dụ mình đặt 500gram thịt bò thì khi đến siêu thị, trung tâm phân phối phải có 500 gram thịt bò đó. Hiện tại bài toán khá nhức đầu, đảm bảo hàng còn và hàng chất lượng phải tốt.“, ông Trần Nhật Linh, Giám đốc kênh bán hàng online, Bách hóa xanh chia sẻ.
Còn nhớ cách đây gần 1 năm, tập đoàn Vingroup cũng đã nhanh chóng bước vào đẩy mạnh kinh doanh thực phẩm tươi sống online thông qua dự án siêu thị ảo "VinMart 4.0" mô phỏng hơn 100 nhóm sản phẩm chọn lọc bằng hình ảnh trên những tấm áp-phich khổ lớn, các sản phẩm, thương hiệu được sắp xếp, bài trí màu sắc bắt mắt tương tự như quầy hàng thực tế trong siêu thị.
Khách mua hàng chỉ cần mở ứng dụng VinID, chọn tính năng Scan & Go sau đó quét mã QR các sản phẩm muốn mua tại "VinMart 4.0" và thanh toán ngay bằng ứng dụng VinID. Chuỗi siêu thị này cam kết sẽ giao hàng tận tay người mua chỉ sau 2 - 4 giờ đồng hồ. Thời gian gần đây, VinID thậm chí còn mở rộng hình thức đi chợ như cách nhiều doanh nghiệp đang triển khai.
Tại Nhật Bản, Aeon là chuỗi siêu thị nổi tiếng và là lựa chọn số 1 của nhiều người dân khi nói tới thực phẩm tươi sống. Cuối năm 2019, tập đoàn Aeon có quyết định mới khi đẩy mạnh bán thực phẩm tươi sống qua nền tảng thương mại điện tử. Và để thực hiện điều này, Aeon chọn bắt tay với Ocado vốn là một công ty có nền tảng thương mại rất mạnh, tự xưng là siêu thị online lớn nhất thế giới. Ocado không hề có một cửa hàng thực tế nào, mọi thực phẩm được giao tới người tiêu dùng theo một chu trình khép kín.
Quyết định đầu tư vào mảng online cho thực phẩm tươi sống của Aeon xuất phải từ việc những ông lớn thương mại điện tử như Rakuten, Amazon đã bắt đầu bán thực phẩm tươi sống tại Nhật Bản. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã rút ngắn thời gian giao hàng cho phép các tập đoàn bán lẻ online dần tiếp cận được các mặt hàng tươi sống. Tình trạng này đang đe dọa hệ thống siêu thị Aeon trên khắp Nhật Bản với thế mạnh hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm.
Việc bắt tay này giúp gia tăng tận dụng lợi thế của cả 2 doanh nghiệp này. Về phía Aeon họ đã hình thành được chuỗi cung ứng từ cánh đồng tới siêu thị thậm chí tới tận bàn ăn. Với hệ thống siêu thị lớn nhất nhì tại Nhật Bản còn chất lượng thực phẩm tươi sống của Aeon đã có được sự tin dùng của người dân Nhật Bản. Hay nói cách khác Aeon đã có 1 lượng hàng ổn định.
Về phía Ocado ra đời năm 2000 và nhờ những ứng dụng robot, công nghệ hiện đại doanh nghiệp này có thể giao hàng từ kho trong vòng 15 phút, nhanh gấp 5 lần so với các đối thủ khác. Tập đoàn Aeon đã có hệ thống kho hàng, siêu thị trên khắp Nhật Bản việc còn lại là của Ocado, giao hàng đến người tiêu dùng nhanh nhất và rẻ nhất kể từ khi có đơn đặt hàng online. Ocado đã chứng tỏ được kinh nghiệm và năng lực logistics của mình khi chia sẻ kinh nghiệm này với một chuỗi siêu thị lớn tại Anh vào năm 2013. Và kế hoạch mở 20 trung tâm logistics tại Mỹ trong 3 năm tới.
TIN CŨ HƠN
- Kinh doanh buôn bán tấp nập sau quyết định nới lỏng cách ly xã hội
- 1,6 triệu m2 bán lẻ sinh tồn ra sao trong Covid-19
- Cắt giảm chi phí đầu tư: Cuộc đua của những “ông lớn” ngành bán lẻ
- JLL: Các nhà bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nhất hãy tìm đến khoản cứu trợ tạm thời từ chủ nhà, tập trung phát triển nền tảng mua sắm online và thanh toán không tiền mặt
- Cơ hội đổi mới cho ngành bán lẻ trong mùa dịch Covid-19
- Cục diện thị trường văn phòng cho thuê sẽ thay đổi như thế nào hậu Covid-19?
- Nielsen: Vì Covid-19, 82% người Việt đã giảm ăn uống ở ngoài
- Thời cơ cho BĐS bán lẻ “bật dậy” sau dịch
- Giải pháp xây dựng cửa hàng online cho chuỗi bán lẻ trong mùa dịch Covid-19
- Giá thịt lợn "nhảy múa", hệ thống siêu thị BigC, Co.opmart, Co.opXtra, đồng loạt công bố chương trình bình ổn giá, tăng cường khuyến mãi lên đến 25%