Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ từng tiết lộ cách đặc biệt quản lý Trung Nguyên dù 5 năm lên núi trong 1 câu nói, người làm sếp doanh nghiệp có thể học hỏi

Khi được bà Lê Hoàng Diệp Thảo đặt câu hỏi việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ 5 năm lên núi ai là người quản lý Trung Nguyên. Ông Vũ cho biết bên cạnh ông còn có những người anh em ông tin tưởng. "Người giỏi lãnh đạo có bao giờ thời gian vật lý là quan trọng đâu"

Còn nhớ cách đây không lâu, bên lề phiên tòa xét xử vụ ly hôn nghìn tỷ giữa vợ chồng chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ có khá nhiều dịp chia sẻ khá nhiều về hành trình lập nghiệp của mình. Tất nhiên để có một Trung Nguyên lớn mạnh như hiện nay, ông Vũ cho rằng cần phải nghĩ lớn và làm việc hơn người.

"Khi ra đời Qua khác người khác. Chí đầu tiên của Qua nó lớn lắm. Hồi xưa người ta đặt "cơ sở" nhưng Qua phải ghi là "hãng" mới được nha. Qua nói với mấy bạn sinh viên của mình, 6 tháng của mình phải làm hơn người ta làm 20 năm. Mà phải làm được đó nghe. Nhưng thế mệt lắm", ông khuyên người trẻ muốn khởi nghiệp.

Việc ông Vũ có năng lực đặc biệt trong việc sử dụng thời gian cũng từng được nhắc đến tại phiên xét xử ngày 21/2/2019 khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo đặt câu hỏi cho người chồng về việc 5 năm ông lên núi thì mọi việc ở Trung Nguyên ai quản lý?

Về điều này, ông Vũ cho biết bên cạnh ông còn có những người anh em ở Trung Nguyên, những người ông tin tưởng. "Người giỏi lãnh đạo có bao giờ thời gian vật lý là quan trọng đâu", ông nói.

Vậy những lãnh đạo giỏi mà ông Vũ nhắc đến điều hành công ty ra sao để tối ưu quỹ thời gian vật lý của mình. Trong sách Tứ thư lãnh đạo: Thuật quản trị, tác giả Hòa Nhân có nhắc đến chiến lược quan trọng là để những người quản lý cùng đóng góp kế sách và sức lực. Sau đây là các nguyên tắc quan trọng để những người quản lý cùng đóng góp kế sách, cùng nhau hợp tác:

Phá vỡ thông lệ

Người lãnh đạo sáng suốt biết cách để cho nhân viên quản lý công ty phụ trách công việc ở những lĩnh vực khác nhau. Những công việc này thường trái ngược với sở trường và sở nguyện của họ.

Trong số các nhân viên quản lý cao cấp của một công ty lớn, có một người rất thích trượt tuyết. Khi gia nhập công ty, ông ta từng hy vọng có thể làm việc tại bộ phận tổ chức đại hội thể thao mùa đông mới thành lập. Nhưng công ty lại bố trí ông ta làm việc tại bộ phận golf. Như thế, ông ta trước tiên đã có thể học được cách xử lý công việc trong lĩnh vực này. Sở dĩ công ty cử ông ta làm việc ở lĩnh vực này là bởi công ty khởi nghiệp từ lĩnh vực golf, hơn nữa đây là lĩnh vực phát triển tốt của công ty. 

Ông chủ của công ty tin rằng, sau khi nắm vững phương pháp quản lý có liên quan thì ông ta có thể vận dụng phương pháp này vào lĩnh vực quản lý nghiệp vụ trượt tuyết. Trên thực tế, bên cạnh việc bỏ thời gian để có được những kinh nghiệm quản lý ở một bộ phận, ông ta còn học được cách xử lý công việc ở cả hai lĩnh vực.

 
Giao quyền tự chủ cho nhân viên quản lý cấp cao

Bạn phải để cho nhân viên tham gia vào công tác lãnh đạo, nếu không bạn sẽ không thể bồi dưỡng được người lãnh đạo chân chính. Điều này có nghĩa là, bạn không những phải để cho họ chỉ huy cấp dưới mà phải trao quyền cho họ, thậm chí trong những thời điểm bạn tỏ ra nghi ngờ họ đã làm sai thì cũng phải biết khoan dung.

Cho họ được phép phạm lỗi một lần

Nếu bạn đã giao quyền tự chủ cho họ, thì cũng nên cho họ cơ hội được phạm lỗi một lần, đó là điều hoàn toàn bình thường. Bạn không nên chỉ trích, trách móc họ chỉ vì họ dám làm những việc có tính rủi ro cao mà không đạt được thành công. Phạm lỗi là một phần trong quá trình trưởng thành của một con người. Qua việc tổng kết những bài học kinh nghiệm từ thất bại, họ sẽ ngày càng chín chắn trưởng thành hơn. Nhưng nếu họ hai lần đều phạm những lỗi tương tự thì bạn nên phê bình họ.

Hãy khiến họ nhận ra rằng tất cả những ý tưởng sáng tạo là do họ tự nghĩ ra

Nếu như có người hỏi rằng ai sẽ là người nhận vinh dự khi công ty đạt được thành công, thì hãy để cho nhân viên cấp dưới của bạn nhận những vinh dự đó. Bạn nên chống lại sức hút của những vinh dự đó, và chắc chắn cấp dưới sẽ vô cùng tôn trọng và nể phục hành vi đó của bạn. Họ sẽ tôn trọng bạn hơn và phục tùng vô điều kiện sự lãnh đạo của bạn. Công ty của bạn cũng nhờ vậy mà thu được nhiều lợi ích to lớn.

Nhường và tạo thuận tiện cho sự thăng tiến của cấp dưới

Trong một chừng mực nhất định, làm lãnh đạo đồng nghĩa với việc bạn từ chối một số trách nhiệm. Điều này không chỉ khẳng định một điều, bạn có thể "khiến cấp dưới nghĩ rằng tất cả những ý tưởng sáng tạo là do họ tự nghĩ ra", nó còn đồng nghĩa rằng, công việc trước đây bạn làm giờ đã là của họ.

Bạn phải để cấp dưới đảm nhiệm những chức trách bạn từng làm trước đây. Hãy trao quyền vào những thời điểm thích hợp, bởi đây là con đường duy nhất để nhân viên cấp dưới nhanh chóng trưởng thành và thăng tiến.

Trả thù lao hậu hĩnh cho họ

Khẳng khái tán dương, khen thưởng, đề bạt, ca ngợi cùng với việc giao trách nhiệm có thể giúp bạn xây dựng một đội ngũ quản lý hùng mạnh đánh đâu thắng đó. Nhưng bạn phải trả thù lao dựa vào giá trị của họ, nếu không bất cứ lúc nào bạn cũng có thể mất đi sự ủng hộ đó. Bạn cần khiến cho nhân viên công ty có những đóng góp thiết thực. Tất nhiên, vì vậy họ đáng được nhận những khoản thù lao tương xứng như niềm vui có được khi công việc thành công.

Người lãnh đạo muốn công việc phát triển tốt, cần phải xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hòa thân thiện với nhân viên. Nếu đặt mình ở vị trí cao, tạo cho người khác cảm giác khó gần, khiến nhân viên dè dặt, thì giữa cấp trên với cấp dưới có khoảng cách lớn. Cấp dưới lúc nào cũng e dè nhất nhất phục tùng cấp trên thì sẽ không có lợi cho công việc, người lãnh đạo cũng không thể lĩnh hội nguyên tắc "Nhân viên là nguồn gốc của sự thành công".

Nói về việc hài hòa thân thiện với nhân viên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ là nhà lãnh đạo luôn làm rất tốt. Ông thường gọi nhân viên là người anh chị em cũng như luôn truyền cảm hứng, tầm nhìn lớn đến họ.

Thảo Nguyên


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật