Phong cách quản trị - chiến lược kinh doanh của 2 tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Trần Bá Dương: Lửa và băng

CÔNG NGHỆ SỐNG VIDEO Phong cách quản trị - chiến lược kinh doanh của 2 tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Trần Bá Dương: Lửa và băng 30/01/2020 08:30 AM | Kinh doanh

Nếu tách riêng 2 ‘cặp đôi’ Vingroup – Phạm Nhật Vượng và THACO – Trần Bá Dương, chúng ta đã thấy bản thân họ có rất nhiều điều thú vị; nhưng nếu đặt cạnh nhau, làm vài chút so sánh, chúng ta còn thấy họ còn thú vị gấp bội phần.

Với việc Vingroup chuyển hướng kinh doanh sang tập trung vào mảng công nghiệp – với ngành kinh doanh cốt lõi tiếp theo là ô tô, nếu phải tìm đối thủ quốc nội, cái tên đầu tiên hiện lên trong đầu mọi người chắc chắn là THACO.

Vingroup bắt đầu từ lĩnh vực bất động sản với bất động sản du lịch VinPearl và bất động sản thương mại VinCom rồi đến bất động sản nhà ở VinHomes, giáo dục cùng VinSchool – VinUni, y tế là VinMec, tiếp theo là bán lẻ với VinCommerce, nông nghiệp cùng VinEco và thanh toán VinID, cuối cùng chốt hạ bằng công nghiệp cùng xe hơi VinFast, điện thoại VinSmart kèm công nghệ - VinTech.

Tuy nhiên, cuối năm 2019, sau khi bán VinCommerce – VinEco cho Masan để tập trung cho 2 mảng mới là công nghệ và công nghiệp, giờ Vingroup có một hệ sinh thái gồm 3 mảng hoạt động chính là thương mại – dịch vụ, công nghệ và công nghiệp với 8 ngành nghề và 10 thương hiệu. Ngoài ra, họ còn có ý định mở hãng hàng không Vinpearl Air và Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không – VinAviation School. Tuy nhiên, kế hoạch tham gia giành thị phần ở bầu trời đã bị hoãn lại, chỉ còn giữ VinAviation.

Ngược lại, THACO khởi đầu bằng kinh doanh – sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô cùng ngành cơ khí, sau đó mới lấn sân sang mảng bất động sản với thương hiệu Đại Quang Minh và đầu tư xây dựng, rồi lại nhảy qua lĩnh vực logistics bằng cách đầu tư vào Khu công nghiệp THACO tại Chu Lai – Quảng Ngãi, tiếp nữa họ mới mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp khi hợp tác với Lộc Trời làm cánh đồng lúa lớn tại Thái Bình – có lẽ là cùng thời với Vingroup khi họ thành lập VinEco.

Trung tâm thương mại Socar Sala ở khu đô thị Sala.

Gần nhất, THACO mở thêm lĩnh vực thương mại, với việc đã phát triển hoạt động kinh doanh thương mại – dịch vụ tại khu phức hợp Yangon Myanmar và chuẩn bị các hoạt động tại khu phức hợp Socar Sala. Đây là mô hình kinh doanh na ná VinCom.

Hiện tại, trong khi Vingroup đã thoát ra khỏi ngành nông nghiệp, thì THACO mới bắt đầu dấn thân sâu vào mảng này, khi liên tục rót vốn vào mảng nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai cùng ‘vua cá tra’ Minh Phú. Như chia sẻ của ông Trần Bá Dương trong thời gian gần đây, thì ‘nông nghiệp mới là lĩnh vực tôi cảm thấy hứng thú nhất ở thời điểm hiện tại, chứ không phải ô tô".

Theo đó, ở thị trường Việt Nam, Vingroup đang cạnh tranh trực tiếp với THACO trong các lĩnh vực ô tô, bất động sản, thương mại và đó đều là những hoạt động kinh doanh cốt lõi tạo nên giá trị của 2 tập đoàn này trong hiện tại và ở tương lai.

Để có thể thấy rõ phong cách quản lý mạnh mẽ nhưng theo kiểu ‘lửa’ và ‘băng’ giữa 2 vị “tướng doanh nghiệp” giỏi nhất nhì Việt Nam, người viết sẽ phân tích một chút về mô hình kinh doanh – chiến lược phát triển của Vingroup và THACO trong 2 lĩnh vực phát triển quan trọng nhất của cả hai là bất động sản, ô tô.

Ô tô

Năm 2017, không ngoa khi nói Vingroup đã gây sốc cho không chỉ 100 triệu dân Việt mà cho cả châu Á và toàn thế giới, khi công bố một kế hoạch vô cùng tham vọng trong việc sản xuất ô tô hoàn toàn ‘Made in Vietnam’.

Tháng 9/2017, Vingroup đã tổ chức lễ khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng. Tập đoàn này cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư 3,5 tỷ USD cho tổ hợp này, đặt kế hoạch cho ra mắt chiếc ô tô đầu tiên sau 24 tháng nữa.

Được đặt ở thành phố cảng Hải Phòng, tổ hợp sản xuất ô tô của VinFast ban đầu sẽ sản xuất các dòng sedan và SUV. Vingroup có kế hoạch mở rộng cả sang thị trường ô tô điện. Trong 12 tháng nữa mẫu xe máy điện đầu tiên do VINFAST sản xuất sẽ được ra mắt. Theo dự kiến đến năm 2025 tổ hợp sẽ đạt công suất lên đến 500.000 xe mỗi năm.

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đang giới thiệu những mẫu xe đầu tiên của VinFast.

Sở dĩ, nhiều người cho rằng, đây là một canh bạc mạo hiểm của Vingroup, bởi quá khứ tại Việt Nam lẫn thế giới đã chứng minh: muốn xây dựng một thương hiệu ô tô nội địa, người ta cần rất nhiều thời gian, thậm chí là hàng trăm năm để phát triển ngành công nghiệp nặng phục vụ ngành nghề này.

Trong khi, tại Việt Nam, cho đến thời điểm mà Vingroup đưa ra kế hoạch trên, nền công nghiệp nặng – cụ thể là nền công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô đang ở thời kỳ sơ khai, hay nói như một chuyên gia kinh tế nọ là "còn chưa sản xuất nổi cái ốc vít ô tô". Chưa nói, tấm gương thất bại toàn tập của Vinaxuki vẫn còn ở đó.

Nói về nguyên nhân phá sản của Vinaxuki, theo Chủ tịch Bù Ngọc Huyên thì: "Để nội địa hóa được xe con cần tới 10 năm, nhưng ngân hàng chỉ cho vay 3 năm.

Lúc đó tôi có trong tay 13 nhà máy. Từ phun sơn, sản xuất cabin, sản xuất thân vỏ xe, đúc luyện ở Thái Nguyên, khai thác mỏ, luyện quặng ở Đắk Nông, sản xuất sản xuất xe tải nặng, xe khách ở Thanh Hóa. Tổng cộng tôi vay có 1.400 tỷ đồng từ 4 ngân hàng thôi. Trong đó vay cho ôtô 1.200 tỷ đồng, không bằng công ty khác vay đầu tư một nhà máy lắp ráp mà ngân hàng cắt vốn lưu động.

Bao nhiêu máy móc công nghệ cao vừa lắp lên, đang dùng thử thì khi bán nợ xấu là đắp chiếu hết, cho vào kho han rỉ hết. Bán nợ xấu thì chắc chắn là doanh nghiệp chết".

Ông Michel Tosto, trưởng bộ phận khách hàng tổ chức và môi giới công ty chứng khoán Bản Việt, nhận định dự án sản xuất ô tô thực sự là một thử thách "rất khó. Ông cho rằng sẽ tốt hơn nếu Vingroup liên doanh với 1 công ty nước ngoài để bước vào thị trường ô tô. "Họ thiếu kinh nghiệm cũng như vốn. Ô tô đang là ngành có mức độ cạnh tranh rất cao và đang bị thống trị bởi các thương hiệu nước ngoài".

Còn theo Nikkei: các công ty Trung Quốc như Geely, BYD, Beijing Auto hay Cherry đã phải cố gắng trong nhiều năm để có thể tạo ra một thương hiệu nội địa. Tính trong 7 tháng đầu năm 2017, các hãng ô tô nội địa chiếm 43,5% tổng doanh thu trên thị trường ô tô Trung Quốc, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

 Bỏ ngoài tai tất cả, Vingroup vẫn ‘việc mình mình làm’. Với những khoản tiền khổng lồ vay được từ nhiều tổ chức tài chính khác nhau, Vingroup lần nữa chứng minh câu nói: "Cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng nhiều tiền".

Họ xây một lúc hơn 10 nhà máy sản xuất các linh kiện phụ trợ tại tổ hợp VinFast, hợp tác với một loạt nhà sản xuất và thương hiệu ô tô nổi tiếng như Magna Steyr, AVL, BMW, Car-O-Liner và PPG; lôi kéo những nhân sự tốt nhất Việt Nam và thế giới trong ngành về lãnh đạo mảng mới, ví dụ như ông Võ Quang Huệ - người từng có 10 năm làm Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam, ông James DeLuca – vị lãnh đạo nổi tiếng của General Motors.

Tháng 10/2018, VinFast đã ra hai mẫu xe ô tô sedan Lux A 2.0 và SUV Lux SA 2.0, cùng mẫu xe cỡ nhỏ tên Fadil, đúng theo lộ trình mà họ công bố cách đây 1 năm. VinFast cũng có ý định sẽ xuất khẩu xe ô tô điện qua Mỹ vào năm 2021.

Hiện tại, chẳng ai biết chính xác tỷ lệ nội địa hóa trong một chiếc xe của VinFast là bao nhiêu và những nhà máy hiện đang sản xuất linh kiện cho họ cũng chủ yếu là những thứ ít quan trọng của một chiếc ô tô như vỏ xe, sơn, lắp ráp… Mục tiêu của VinFast, trong tương lai có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm của mình lên con số 60%.

Ông Trần Bá Dương trong 1 lần giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các nhà máy sản xuất linh kiện phụ trợ và lắp ráp ô tô tại Chu Lai.

Trong thời điểm mà người Vingroup làm đủ chiến dịch truyền thông để đánh bóng tên tuổi và thương hiệu VinFast, người THACO chẳng nói gì, xong họ cũng đã lặng lẽ làm vài chuyện – như tính cách nhất quán trước giờ của ông Trần Bá Dương và THACO. Ví dụ: mỗi khi Vingroup có bất cứ thông tin công bố hoành tráng nào, THACO sẽ lại gửi thông tin về việc tăng tỷ lệ nội địa hóa của các loại xe mà họ đang liên doanh cũng như số lượng phụ tùng ô tô đã xuất khẩu.

Giấc mơ về một chiếc xe do người Việt Nam sản xuất của ông Trần Bá Dương thậm chí còn sớm hơn ông Phạm Nhật Vượng rất nhiều, nó bắt đầu từ những năm 2003, khi ông đặt những viên gạch đầu tiên của các nhà máy phụ trợ cho ngành ô tô tại Chu Lai.

Hiện tại, THACO có 12 nhà máy sản xuất linh kiện - phụ tùng và Tổ hợp Cơ khí, không chỉ cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ô tô của THACO và các doanh nghiệp trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường ASEAN và các nước trên thế giới.

Theo đó, THACO đã gia tăng tỷ lệ nội địa hóa một số mẫu xe lên trên 40%, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các thị trường ASEAN; đồng thời xuất khẩu linh kiện ô tô, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng của THACO năm 2018 đạt hơn 20 triệu USD. Trong thời gian tới, công ty sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Châu Âu và Châu Mỹ. Dự kiến năm 2019 giá trị xuất khẩu đạt 25 triệu USD.

Mục tiêu của ông Trần Bá Dương và ông Phạm Nhật Vượng khi tham gia thị trường ô tô hoàn toàn giống nhau: muốn có một chiếc xe ô tô ‘made in Vietnam’, nhưng do tính cách và yếu tố thời cuộc, mà cách thức hoàn toàn khác nhau.

Ông Phạm Nhật Vượng đã dùng tiền để ‘mua độ trễ’, khiến VinFast chỉ trong một thời gian siêu ngắn, có thể sản xuất một chiếc xe hoàn chỉnh, mang thương hiệu 100% Việt Nam. Đổi lại, Vingroup và VinFast đang chịu áp lực lớn từ nợ.

Còn THACO đang đi từng bước khá chắc chắn sau gần 2 thập kỷ theo đuổi mục tiêu mà họ hướng tới.

Sau 17 năm, THACO đã kinh doanh – lắp ráp một hệ sinh thái ô tô hoàn chỉnh, chạy dài từ loại hình xe tải và xe bus đến siêu sang như BMW. Có thể, THACO chưa sản xuất ra được ô tô thương hiệu mang tên mình, nhưng tập đoàn này đang là doanh nghiệp ô tô trong nước có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất Việt Nam tới hiện tại.

Bất động sản

Nhiều người đang nói vui là Vingroup và THACO – cụ thể là Đại Quang Minh, đang kèn cựa nhau quyết liệt dọc sông Sài Gòn, khi Đại Quang Minh đang là bá chủ ở bờ đông với khu đô thị Sala, còn Vingroup đang là bá chủ bờ Tây với 2 khu đô thị Vinhomes Golden River và Vinhomes Central Park.

Cả 3 khu đô thị nói trên đều liên tục được xếp vào những khu đô thị đáng sống ở TP. HCM từ lúc chúng nên hình nên dạng đến bây giờ. Và tất nhiên, mức giá của 3 khu đô thị này cũng cao nhất nhì TP. HCM, là điểm đến mơ ước của hầu hết cư dân ở thành phố này.

Có thể nói, thông qua những công trình của mình, cả Vingroup lẫn Đại Quang Minh đều đã làm những đều phi thường trong mảng bất động sản, nhưng theo cách rất khác nhau.

Khu đô thị Sala

Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây trên báo Thanh Niên, ông Trần Bá Dương, từng khẳng định: "Cơ hội để 'kiếm ngay' tôi không bao giờ làm". Có lẽ, vị Chủ tịch này luôn đề cao sự chắc chắn và bền vững, giống như nhận định của ông Dương Minh Ngọc – Chủ tịch Hùng Vương: "Ông Dương nhìn bề ngoài vậy nhưng rất cẩn thận, nói đi đôi với làm và có phong cách, tư tưởng của một người làm được việc lớn". Ông Dương thích ‘hữu xạ tự nhiên hương’ hơn là thực hiện những chiến dịch truyền thông hào nhoáng.

Đại Quang Minh đã góp phần rất lớn vào sự khởi sắc vùng đất Thủ Thiêm – quận 2 khi bỏ công sức xây dựng những công trình sau theo hình thức hợp tác BT: 4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông, khu lâm viên sinh thái và khu đô thị SaLa.

Khởi công vào đúng lúc thị trường bất động sản đóng băng, để có thể thực hiện đúng tiến độ với sức đầu tư lớn cả về kỹ thuật, con người, tiền của, Đại Quang Minh đã bỏ ra 8.265 tỷ đồng để đầu tư 4 tuyến đường huyết mạch, cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức BT, hơn 7.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cho khu đô thị mới này.

Lúc đó, nhiều người cho rằng ông bị điên! Vốn quen thuộc với vai trò Chủ tịch THACO, được mệnh danh là ông vua ô tô, khi bước sang lĩnh vực bất động sản, lại chọn "khúc xương khó nhất", vào đúng thời điểm thị trường bất động sản đóng băng, dự án Sala đã khiến ông hao tâm, tổn sức lớn nhất.

Kỹ thuật xây dựng hệ thống bốn tuyến đường chính áp dụng công nghệ tiên tiến cọc đất gia cố xi măng và bấc thấm hút chân không trong xử lý nền đất yếu tại Thủ Thiêm. Cao trình xây dựng 3,4 - 3,8 m trên mực nước biển, bảo đảm chống ngập trong 100 năm tới.

Bốn tuyến đường chính này đã tạo ra sự thay đổi lớn hơn nhiều, hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối tốt hơn với khu trung tâm cả bờ Đông và bờ Tây, tạo tiền đề thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ Thiêm và TP.HCM. Có thể nói Đại Quang Minh đang giữ vai trò đầu tàu tại Thủ Thiêm, giúp khu vực này nâng tầm giá trị trong thị trường bất động sản TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Khu đô thị Sala được quy hoạch với tầng cao trung bình 20 tầng nhưng ít bê tông hóa hơn, nghĩa là có nhiều diện tích xanh hơn để thẩm thấu nước vào đất hơn, phát triển tầng cao theo nguyên tắc tôn trọng tự nhiên.

Đồng thời vẫn giữ 150,25 ha cho vùng châu thổ phía Nam, đây là vùng sinh thái ngập nước rộng lớn phía Nam của bán đảo Thủ Thiêm, giáp với sông Sài Gòn, là lá phổi xanh giữa trung tâm thành phố, đóng góp rất lớn cho bảo tồn môi trường tự nhiên, có vai trò hạn chế khả năng ngập lụt, cân bằng hệ sinh thái.

Nếu Đại Quang Minh đề cao môi trường sống, sự thư giãn, giá trị dài hạn thì Vingroup đề cao tính hiệu quả, hoành tráng…; dự án Vinhomes Central Park thể hiện rõ ràng điều đó.

Với 17 tòa nhà chọc trời cao 50 tầng đứng san sát nhau cùng mực độ xây đựng dày đặc, thoạt trông Vinhomes Central Park giống như tổ hợp những tổ chim khổng lồ trong các phim khoa học viễn tưởng hoặc ngày tận thế của Hollywood.

Cách đây khoảng 10 năm, hẳn không ai tại Việt Nam có thể tưởng tượng được về chuyện 1 doanh nghiệp trong nước có thể thực hiện được dự án đó hoặc tự xây được tòa tháp cao tới 81 tầng, cao nhất Đông Nam Á. Tất cả chỉ được xây dựng trong vòng khoảng 3 năm.

Có thể nói, khu đô thị Sala và Vinhomes Central Park chính là 2 sản phẩm thể hiện rõ nhất tính cách – cách quản trị doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương và Phạm Nhật Vượng!

Theo: Quỳnh Như - Trí Thức Trẻ

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật