Cổ đông muốn Bách hóa xanh 'kéo khách' của đối thủ
Tại đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã CK: MWG) diễn ra ở TP HCM hôm 22/3, cổ đông đua nhau chất vấn về sự phát triển của chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh.
Thắc mắc về kế hoạch "đánh chiếm" thị phần, cổ đông đặt câu hỏi, liệu Thế Giới Di Động có tăng chi cho quảng cáo và đầu tư thực phẩm sạch để "kéo khách" từ các hệ thống siêu thị khác.
Trả lời cổ đông, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết, mỗi ngày, cửa hàng nhỏ của Bách hóa xanh mới chỉ có khoảng 500 lượt khách và với chuỗi lớn là 1.000 lượt khách. Do đó, công ty chưa có kế hoạch tăng chi quảng cáo.
Riêng với kế hoạch giành thị phần, công ty chưa bao giờ có ý định tranh khách hàng của các hệ thống khác, bởi lẽ, lượng khách của các chuỗi này rất nhỏ. Mục tiêu của Bách hóa xanh là làm sao lấy được số lượng khách hàng từ các chợ truyền thống – đây mới là đối tượng khách khổng lồ.
Do đó, công ty đang đẩy mạnh lựa chọn những sản phẩm tiêu dùng nhanh có chứng nhận xuất xứ rõ ràng và chọn những sản phẩm tốt ở các địa phương tiêu biểu cho lên kệ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bách hóa xanh là mô hình có triển vọng mang lại lợi nhuận tốt. |
Nhiều cổ đông lo ngại, trên thế giới kiểu chuỗi cửa hàng phải mất 7-8 năm mới có lợi nhuận và mức sinh lời cũng chỉ khoảng 2-3%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Dộng, mục tiêu và cách thức kinh doanh của chuỗi này có nhiều sự khác biệt và minh chứng là cuối 2018, cửa hàng thực phẩm đã đạt điểm hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước lãi suất, thuế và khấu hao) theo kỳ vọng. Kế hoạch 2019, lợi nhuận bù đắp hoàn toàn tất cả chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối, nhưng chưa bao gồm chi phí ở cấp độ công ty. Năm 2020, khi chuỗi phát triển tốt, công ty sẽ tăng tốc mở rộng. Lợi thế của mô hình nhỏ gọn, mặt bằng cũng không quá khó nên nếu chỉ kinh doanh bình thường thì mức sinh lời 2-3%. Còn khi công ty đưa mặt hàng nhập khẩu có độc quyền vào, mức lãi sẽ tăng lên 5-6% và điều này diễn ra sớm hơn khi mô hình phát triển tốt.
Để có lợi nhuận tốt, Bách hóa xanh sẽ lấy hàng từ nhà sản xuất chứ không thông qua bất cứ kênh nào. Với rau xanh, thay vì bán hàng phân túi sẵn, cửa hàng cho khách mua theo khối lượng tùy ý. Cá biển sẽ nhập trực tiếp từ các vùng biển chứ không thông qua chợ Bình Điền như các chuỗi hiện nay. Còn trái cây, công ty cũng sẽ không thông qua các công ty nhập khẩu mà nhập khẩu từ vùng trồng. Nhờ đó, giá sản phẩm sẽ rẻ hơn và cạnh tranh hơn bất cứ hệ thống nào khác.
Về mục tiêu phát triển doanh thu trong điều kiện thị trường bão hòa, ông Tài cho rằng, MWG sẽ tạo ra doanh thu mới từ việc kinh doanh những mặt hàng mới hoặc tiếp cận những đối tượng khách hàng mới.
Cũng tại đại hội, cổ đông đã thông qua bổ sung hai nhân sự mới vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019-2020 gồm ông Đoàn Văn Hiểu Em (người đứng đầu mảng kinh doanh điện thoại) và ông Đào Thế Vinh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate).
Ông Vinh là một trong 5 cổ đông cá nhân sáng lập Golden Gate, doanh nghiệp quản lý hàng loạt chuỗi nhà hàng bia tươi, lẩu nướng như: Ashima, Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Gogi House, Daruma, Vuvuzela, Cowboy Jack's... Ông Vinh từng sở hữu hơn 35% cổ phần Golden Gate khi thành lập, nhưng sau đó giảm đáng kể khi xuất hiện một cổ đông tổ chức.
Năm nay, Thế giới Di Động đặt mục tiêu thu hơn 108.000 tỷ và lãi ròng hợp nhất 3.571 tỷ đồng. Hoạt động bán lẻ sản phẩm điện thoại, điện máy vẫn là nguồn đóng góp doanh thu và lợi nhuận chính, trong đó ngành hàng điện hướng đến mục tiêu chiếm khoảng 40% thị phần. Công ty dự kiến mở mới 700 cửa hàng và chuyển đổi 150 cửa hàng Điện máy xanh mini và Điện máy xanh.
Tổng số cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy xanh dự kiến cuối năm 2019 là khoảng 1.900 cửa hàng.
Năm 2018, công ty đạt 86.516 tỷ đồng doanh thu và 2.880 tỷ đồng lợi nhuận. Doanh thu chuỗi Bách hóa xanh đạt 4.270 tỷ đồng, gấp 3 lần 2017. Đến cuối 2018, công ty có 1.032 siêu thị Thế Giới Di Động, 750 siêu thị điện máy Xanh, 405 siêu thị Bách hóa xanh và 10 siêu thị Bigphone.
Thi Hà
Theo: vnexpress.net
TIN CŨ HƠN
- Smartphone của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã bán qua website của nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng hàng đầu châu Âu MediaMarkt
- Vingroup bắt đầu bán điện thoại Vsmart tại Tây Ban Nha
- Cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Việt khi tiến vào thị trường Trung Đông và Châu Phi
- Vì sao im ắng tại Việt Nam nhưng Mobiistar tự tin 'mang chuông đi đánh xứ người' và kỳ vọng lọt top 5 tại thị trường lớn thứ 2 thế giới?
- Vinamilk muốn mua 46,68% cổ phần, GTNfoods nói gì?
- Mì gói 'hai con tôm' thu hơn 50 tỷ đồng mỗi tháng
- Thị trường đồng hồ “thơm” cỡ nào mà khiến TGDĐ, PNJ, Doji nhập cuộc?
- Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận sụt giảm 22% trong năm 2019
- Tham vọng mở rộng thị trường của ông lớn thời trang HUGO BOSS
- Bánh Merry – Cú bứt phá thương hiệu bánh kẹo Việt