Đại gia bán lẻ tháo chạy

Các doanh nghiệp bán lẻ giành nhau vị trí dẫn đầu thị trường nên cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Auchan (Pháp) tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam. Cùng với đó là hành động quyết liệt "sale off" để đóng cửa 15/18 siêu thị từ ngày 2-6 dù đang trong quá trình đàm phán nhượng lại hoạt động kinh doanh. Auchan rời đi, thị trường bán lẻ Việt Nam vắng bóng các nhà bán lẻ châu Âu.

Lần lượt tháo lui

Trước Auchan, Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) bán lại chuỗi 19 siêu thị Metro cho Tập đoàn TCC (Thái Lan) sau nhiều năm báo lỗ liên tục. Năm 2016, Tập đoàn Casino (Pháp) cũng sang nhượng chuỗi siêu thị Big C cho Central Group (Thái Lan).

 

Thị trường Việt Nam có gì lạ mà các nhà bán lẻ sừng sỏ thế giới lần lượt tháo lui, mặc cho số liệu báo cáo từ các công ty nghiên cứu thị trường liên tục đánh giá là thị trường tiềm năng nhất nhì châu Á, với tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bán lẻ lên đến 37%/năm, dự kiến đến năm 2020, toàn thị trường sẽ có quy mô 180 tỉ USD.

Auchan là tập đoàn bán lẻ lớn của châu Âu với khoảng 900 đại siêu thị, hơn 860 siêu thị mini và 370 trung tâm thương mại tại 16 quốc gia. Auchan có mặt ở Việt Nam từ năm 2015, từng lên kế hoạch sẽ đầu tư 500 triệu USD để phát triển các siêu thị, đại siêu thị. Ông Jordi Fernandez, Tổng Giám đốc Auchan Retail Việt Nam, từng nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Để cạnh tranh, Auchan tập trung vào sản phẩm chất lượng, tươi ngon, quản lý chặt chẽ các quy trình từ nhập khẩu, lựa chọn nhà cung cấp, chế biến, bảo quản…

Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều lý do khiến hoạt động kinh doanh của Auchan Việt Nam không hiệu quả. Trong đó, một phần do doanh nghiệp (DN) này chỉ tập trung mở các siêu thị độc lập trong khi xu hướng người tiêu dùng hiện nay thích mua sắm ở những khu phức hợp gồm siêu thị, khu giải trí, nhà hàng ăn uống, rạp chiếu phim. Ngoài ra, chi phí thuê mặt bằng của Auchan quá lớn, gấp rưỡi các hệ thống bán lẻ khác.

Tranh nhau khả năng... chịu lỗ

Không chỉ các DN châu Âu mà thời gian gần đây, nhiều thương hiệu trong nước như Maximart, Citimart, Fivimart… đã biến mất khỏi thị trường qua các cuộc mua bán - sáp nhập, cho thấy mức độ đào thải khốc liệt của thị trường. Riêng với các DN ngoại, sức ép cạnh tranh không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam mà trên toàn cầu.

 Nguyên tổng giám đốc một hệ thống siêu thị lớn cho hay việc một "đại gia" bán lẻ rất thành công tại nhiều thị trường nhưng thất bại tại một vài thị trường là hết sức bình thường. Walmart (Mỹ) nổi tiếng toàn thế giới nhưng đã phải thoái lui khỏi thị trường Hàn Quốc.

"Quyết định tiếp tục đầu tư hay rời khỏi thị trường của một nhà bán lẻ tùy thuộc vào mô hình kinh doanh có phù hợp hay không và kỳ vọng của nhà đầu tư. Lotte Mart cũng có nhiều năm thua lỗ tại Việt Nam nhưng vẫn quyết tâm rót thêm vốn, trong khi Metro Cash & Carry, Auchan thoái lui. Cần nói thêm là Metro Cash & Carry chỉ thua lỗ ở hoạt động chính là kinh doanh bán lẻ và đã thu được số lợi nhuận khổng lồ từ giá trị 19 bất động sản sở hữu tại Việt Nam" - vị này nói và đúc kết mô hình siêu thị hay đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi về cơ bản tương tự nhau; điểm khác biệt làm nên thành công hay thất bại của một hệ thống là đội ngũ triển khai mô hình đó ra thị trường.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho rằng tình hình chung là các DN bán lẻ trên thế giới đang gặp khó khăn, trong đó bao gồm các tập đoàn lớn đang có mặt tại Việt Nam. Để giải quyết bài toán chiến lược, họ phải tái cấu trúc thị trường, tập trung vào các thị trường cốt lõi, rút vốn khỏi những thị trường không ưu tiên. Auchan tuyên bố rút khỏi Việt Nam và Ý là ví dụ.

Cũng theo ông Đức, thị trường Việt Nam rất tiềm năng, những "ông lớn" đang khai thác thị trường hơn 100 triệu dân với dư địa bán lẻ hiện đại rất lớn đều muốn giành vị trí dẫn đầu nên cạnh tranh khốc liệt, mức độ đào thải dữ dội.

Chi phí bào mòn lợi nhuận

Các chuyên gia kinh tế đánh giá thị trường Việt Nam nhỏ về quy mô bán lẻ hiện đại nhưng tiềm năng còn lớn do bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 30% thị phần. Về tổng thể, thị trường đang phát triển rất nhanh với sự gia tăng nhanh chóng của mảng bán lẻ trực tuyến. Năm 2018, doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam lên đến 8 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì gấp 8-10 lần offline và đã phần nào đẩy những nhà bán lẻ chỉ có mảng offline đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu. Tuy nhiên, nếu tách riêng mảng offline thì rõ ràng sự phát triển đang gặp nhiều thách thức do phải cạnh tranh với bán lẻ trực tuyến cùng hàng loạt chi phí khác gia tăng chóng mặt.

Trong đó, chi phí mặt bằng bán lẻ đang tăng quá cao, không tương xứng với lợi nhuận nhà bán lẻ kiếm được. Một nghiên cứu thị trường đã so sánh giá mặt bằng tại TP HCM cao hơn Thái Lan 20% nhưng sức mua thấp hơn Thái 15% đã tạo áp lực cho các DN bán lẻ, đặc biệt là trong bối cảnh lãi gộp cho hàng hóa trong siêu thị chỉ khoảng 5%-7%. "Không thể công bố con số chính xác nhưng chi phí mặt bằng trong tổng chi phí của DN bán lẻ đã tăng lên trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, chi phí nhân sự cũng nhích lên do cạnh tranh thu hút lao động giữa các hệ thống" - lãnh đạo một DN bán lẻ phân tích.

Chuyên gia bán lẻ và tư vấn thương hiệu Trần Anh Tuấn cho rằng lâu nay, các công ty nghiên cứu thị trường lập lờ DN, người tiêu dùng về khái niệm thị trường tiềm năng. Bản chất thị trường tiềm năng phải đủ lớn để DN sinh lãi nhưng bán lẻ hiện đại chỉ mới phát triển tại các thành phố lớn, thị trường nông thôn vẫn do các cửa hàng tạp hóa, sạp chợ làm chủ. Quá nhiều DN chen chân nhau tại các thành thị, tranh nhau mặt bằng để mở điểm bán, cạnh tranh nhau gay gắt để thu hút khách nên đẩy chi phí lên cao. Thêm vào đó, các nhà bán lẻ châu Âu không hiểu người Việt, bảo thủ trong kinh doanh, mang phong cách kinh doanh của họ sang Việt Nam nên thất bại.

Ông Lê Hữu Tình, Giám đốc điều hành Emart Việt Nam, đánh giá bán lẻ Việt Nam đang phát triển liên tục trong 2 năm trở lại đây nên cần sự linh hoạt, thay đổi nhanh. Người tiêu dùng Việt Nam quan tâm nhiều đến giá cả hàng hóa, ưu tiên chọn hàng giá rẻ nhưng giá rẻ, khuyến mãi đậm chưa đủ để hút khách. Muốn thành công, DN phải có bản sắc riêng, tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ, nắm bắt nhanh sự thay đổi của thị trường để thích ứng.

Ông Bod Hayward, tư vấn chiến lược Công ty KPMG, nhận xét Việt Nam đang trong giai đoạn tốt của ngành bán lẻ, sẽ phát triển hơn nữa và thịnh vượng. Vấn đề là bản thân từng DN làm sao cạnh tranh và đi nhanh hơn đối thủ. Sẽ có những tay chơi mới xuất hiện và DN bán lẻ Trung Quốc sẽ không bỏ qua thị trường Việt Nam. Muốn thắng, DN phải làm chủ công nghệ và kênh mua sắm qua mạng.

Cạnh tranh bằng sự khác biệt

Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, cạnh tranh là phải cá nhân hóa sản phẩm dịch vụ cho nhóm khách hàng mục tiêu, nếu không sẽ khó tồn tại. "Emart (Hàn Quốc) là một trong những siêu thị đang hoạt động hiệu quả vì tập trung vào nhóm khách hàng trẻ, ưa trải nghiệm và đến siêu thị không chỉ để mua hàng" - ông Tuấn nêu ví dụ.

Cũng hướng đến khai thác nhóm khách hàng trẻ, Saigon Co.op đang trẻ hóa khách hàng thông qua mô hình kinh doanh mới sắp khai trương, đồng thời đẩy mạnh kênh online. "Hình ảnh của Saigon Co.op sẽ năng động sáng tạo hơn nhưng vẫn giữ lại nét truyền thống làm nên thương hiệu Saigon Co.op "Bạn của mọi nhà" lâu nay" - ông Nguyễn Anh Đức tiết lộ.

Thêm công nghệ, tăng trải nghiệm

Bắt nhịp xu hướng bán lẻ thế giới đang đi theo hướng O2O (online to offline), các DN bán lẻ tích cực đưa ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản phẩm, dịch vụ. Mới đây, Vinmart ra mắt siêu thị ảo VinMart (Virtual Store), đồng thời mở rộng ứng dụng mua sắm từ xa Scan&Go ra phạm vi 73 siêu thị trên cả nước. Trước đó, giữa năm 2018, Saigon Co.op đã triển khai ứng dụng này, đến nay đang thí điểm tại 13 điểm bán tại TP HCM. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay sẽ triển khai tại toàn bộ hệ thống siêu thị Co.opmart.

Công nghệ mua hàng từ xa Scan&Go là sự kết hợp giữa 2 loại hình mua sắm online và offline. Mặc dù vậy, theo Saigon Co.op, ứng dụng này chủ yếu mang đến trải nghiệm trực tiếp, giúp khách hàng làm quen với ứng dụng công nghệ chứ đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích trực tiếp cầm, nắm, sờ, ngửi... nhằm kiểm tra hàng hóa trước khi mua.

Theo: Thanh Nhân - NLĐ

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật