FPT hợp tác startup Base, quyết tâm thống lĩnh thị trường chuyển đổi số Việt Nam, dắt tay nhau cùng chinh phục thế giới
Sở dĩ, Base được chọn thay vì startup khác, ngoài việc bổ trợ cho mảng chuyển đổi số SMEs vẫn còn yếu của FPT, còn vì giấc mơ của Base ‘điên cuồng'’ hơn FPT.
Tập đoàn FPT vừa chính thức công bố khoản đầu tư chiến lược vào Base.vn. Theo đó, FPT sẽ sở hữu cổ phần đa số. Mặc dù có rất nhiều thắc mắc về giá trị thương vụ M&A này, nhưng do Base còn có 5 nhà đầu tư khác, nên cả FPT lẫn Base không tiện công bố con số cụ thể. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là FPT đã mua đứt Base và Base trở thành một thành viên của tập đoàn này.
Mặc dù, Base đã thuộc FPT, song họ cho phép startup này phát triển độc lập. Theo lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc của FPT, thì tập đoàn sẽ dùng nguồn lực của mình để hỗ trợ Base phát triển nhanh hơn, bán được nhiều sản phẩm hơn; FPT cũng sẽ không can thiệp vào công tác quản lý – quản trị của Base, Base sẽ vẫn giữ văn hóa và ADN riêng, không phải hòa tan vào văn hóa của FPT.
"FPT sẽ là bệ đỡ cho Base và không bắt Base phải làm theo cách của FPT, Base sẽ vẫn cứ làm theo cách của Base. FPT chỉ đứng bên cạnh để hỗ trợ.
Ngoài ra, tôi tin vào chữ nhân duyên, vì nhân duyên mà FPT đã đến với Base. Ngoài ra, tôi cũng tin rằng, khát vọng và kinh nghiệm của FPT, khi đồng hành cùng Base, sẽ giúp giấc mơ của Base biến thành hiện thực", anh Nguyễn Văn Khoa khẳng định.
Phần mình, anh Phạm Kim Hùng – founder kiên CEO của Base.vn cũng hoàn toàn tin tưởng vào lời hứa của lãnh đạo FPT: "Các quỹ đầu tư trước đó làm việc cùng Base, đều tin tưởng tuyệt đối vào Ban lãnh đạo chúng tôi. Các quỹ thường nói với nhau: Hãy để Hùng và team của mình tập trung vào công việc của Base, vì ‘tập trung’ chính là sức mạnh của team Base.
Cũng như thế, trong suốt 5 năm thành lập, chúng tôi chưa bao giờ sao nhãng với sứ mệnh đã tự đặt ra cho bản thân. Vậy nên, tôi nghĩ các lãnh đạo của FPT đủ thông minh để chọn làm điều đúng đắn".
Vậy vì sao FPT lại chọn Base.vn thay vì một startup chuyên về chuyển đổi số khác?
Theo ông Trương Gia Bình – Chủ tịch của FPT, họ chọn Base vì hậu bối này đang có cái mà FPT cần.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch của FPT
Trong buổi ký kết hợp đồng chuyển đổi số cho doanh nghiệp đầu ngành tôm Minh Phú năm 2019, ông Trương Gia Bình từng nói, chuyển đổi số sẽ là mảng kinh doanh chủ lực của FPT trong vài năm tới, mục tiêu là lọt vào Top 50 Nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu. Dự đoán, trong năm 2022, FPT sẽ có doanh thu 1 tỷ USD ở thị trường chuyển đổi số quốc tế và theo Chủ tịch FPT ‘chúng ta hoàn toàn mang trí tuệ Việt Nam ra đổi tiền của thế giới’.
Hiện FPT đã sản xuất được 80 phần mềm chuyển đổi số và họ đã hợp tác chuyển đổi số cho rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành hoặc tổ chức lớn của nhà nước. Có thể nói, FPT đã làm tốt được phần chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lớn đầu ngành, nhưng với thành phần SMEs, như thú nhận của ông Trương Gia Bình, là FPT vẫn còn yếu.
Và trong quá trình tìm hiểu thị trường, chúng tôi đã nghe rất nhiều SMEs khen các sản phẩm/dịch vụ của Base. Mọi người khen Base cung cấp những sản phẩm sát với nhu cầu khách hàng, dễ dàng sử dụng và nhanh tiện lợi. Sau khi tìm hiểu và nói chuyện với Hùng, chúng tôi nhận ra là chúng tôi có rất nhiều tiếng nói chung. Hơn nữa, chúng tôi luôn tự nhận là FPT thường có những mục tiêu và giấc mơ viễn vông ‘điên cuồng’, song tôi thấy Base còn ‘điên cuồng’ hơn cả FPT.
Thay vì chỉ sản xuất phần mềm giải pháp cho doanh nghiệp chuyển đổi số, họ lại có ý định xây dựng 1 platform chuyên về phần mềm chuyển đổi số, không chỉ có sản phẩm/giải pháp của Base mà còn của các doanh nghiệp khác. Họ muốn tích hợp mọi thứ cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của SMEs trên một nền tảng. Đây là con đường khó, nhưng đang là xu hướng thế giới với nền kinh tế platform. Rõ ràng, giấc mơ của Base còn lớn hơn FPT.
Quan trọng nữa, trong lĩnh vực chuyển đổi số cho SMEs, Base đi trước FPT 5 năm. Nên thay vì dựng nên một công ty để cạnh tranh với Base, FPT quyết định hợp tác cùng Base để cùng đi nhanh hơn", ông Trương Gia Bình khẳng định.
Đại diện FPT và Base.vn đang đối thoại cùng nhau trên sân khấu.
Cũng theo ông Trương Gia Bình, trong 30 phút đầu đàm thoại, ông và CEO Base đều nói những thứ giống nhau. Hiện Base có 5.000 khách hàng trong đó có rất nhiều SMEs, trong khi FPT mới bắt đầu chập chững bước vào thị trường; mà cả FPT lẫn Base đều muốn chinh phục toàn bộ 800.000 SMEs ở Việt Nam.
Sau khi thống lĩnh thị trường chuyển đổi số Việt Nam, cả hai đều muốn ‘đánh chiếm’ thế giới. Base muốn có tên trên bản đồ chuyển đổi số khu vực và sau đó là thế giới, còn FPT muốn lọt vào Top 50 Nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu cùng kiếm được nhiều tiền từ thị trường này.
Sau khi về tay FPT, Base sẽ có những bước phát triển gì trong thời gian tới?
Đầu tiên, trong khoảng quý III/2021, Base sẽ bắt đầu tích hợp những giải pháp thích hợp của FPT dành cho SMEs vào platform của Base. Tổng Giám đốc FPT cũng nói rõ, là phần mềm của FPT tích hợp vào Base chứ không phải ngược lại. Ngoài ra, trong tương lai gần, Base cũng muốn tích hợp thêm khoảng từ 200 đến 300 sản phẩm của bên thứ ba vào platform của họ, để tạo nên một chợ ứng dụng về các sản phẩm chuyển đổi số đủ phong phú – đa dạng.
"Chúng tôi muốn, ở thị trường Việt Nam, chỉ cần doanh nghiệp SMEs đặt hàng sản phẩm chuyển đổi số, sau 30 phút là có thể sử dụng ngay. Với nguồn lực của FPT, chúng tôi có thể hỗ trợ Base thực hiện điều đó. Chúng tôi có nguồn khách hàng vô tận - ví dụ như từ các chủ lắp đặt internet, chúng tôi cũng có rất nhiều nhân viên bán hàng rải khắp cả nước.
FPT có hạ tầng công nghệ mạnh mẽ bảo đảm sự vận hành vượt trội của tất cả hệ thống dù nó lớn đến như thế nào. Ví dụ: Vnexpress luôn được vận hành mượt mà và vẫn làm tốt chuyện bảo mật trước rất nhiều đợt tấn công mạng quy mô lớn", ông Nguyễn Văn Khoa nêu cụ thể.
Ngoài ra, Base cũng sẽ sớm đi ra quốc tế với sự trợ lực của FPT. Hiện FPT có 48 văn phòng đại diện trên 46 nước, có hàng trăm khách hàng sử dụng các sản phẩm của FPT ở 26 quốc gia. Tập đoàn này còn có 17.000 đến 18.000 kỹ sư phần mềm, 2.000 trong đó đang làm việc trên khắp toàn cầu.
Ở khía cạnh khác, Ban lãnh đạo của FPT còn tiết lộ thêm, trong thời gian tới, họ sẽ tiến hành nhiều thương vụ M&A khác nhau, Base chắc chắn không phải là đối tác cuối cùng. Tuy nhiên, thời gian và lĩnh vực M&A chưa xác định cụ thể mà phụ thuộc vào tầm nhìn – chiến lược của giàn lãnh đạo trẻ sau này.
TIN CŨ HƠN
- Sau 1 năm 2020 te tua, SABECO vẫn lạc quan đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 33.491 tỷ đồng, tăng 20%
- Bánh Quế Stroopwafels Max & Alex - Đặc sản Hà Lan Nhập Khẩu tìm nhà phân phối tại thị trường Việt Nam
- MM Mega Market tăng cường đầu tư vào quản lý an toàn thực phẩm
- Chuỗi cửa hàng nào có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường laptop Việt?
- KIDO đạt 135 tỷ lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2021, tăng 182% so với cùng kỳ
- Thị trường bán lẻ vẫn hoạt động cầm chừng, điểm sáng đến từ 2 thương hiệu lớn Nhật Bản là Muji và Uniqlo
- Không chỉ đổi mới trong cửa hàng offline, Bách hoá Xanh nâng cấp luôn không gian mua sắm online
- Chuỗi bán lẻ Vòng Xanh và hành trình chuyển đổi số cùng Base.vn
- Chọn cạnh tranh thay vì bán lại cho Masan, tương ớt Cholimex tiếp tục sống khỏe khi trả cổ tức 50%, EPS đạt 21.000 đồng
- SK Group chi 410 triệu USD mua cổ phần chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+