Hà Nội kích cầu tiêu dùng sau dịch COVID-19
Thành phố Hà Nội đã tổ chức Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội 2020, với chủ đề “60 ngày vàng - rộn ràng mua sắm.
Đây được đánh giá như một giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19 và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Người tiêu dùng chọn mua hoa quả tại siêu thị Co.op mart Hà Đông. Ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia
Đứng trước các khó khăn của doanh nghiệp do dịch COVID- 19 gây ra, Chính phủ và Thành phố Hà Nội đã xác định thị trường nội địa sẽ trở thành đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp. Sự đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu cũng như sản phẩm nhập khẩu cũng là cơ hội của không ít doanh nghiệp trong nước vươn lên khi thị trường quốc tế chưa thể phục hồi thì thúc đẩy mở cửa thị trường nội địa sẽ là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và là gói kích thích kinh tế lớn nhất, có hiệu quả nhất.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc kích cầu thị trường nội địa là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm. Ngay từ đầu tháng 5, khi thành phố đã cơ bản khống chế được dịch, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều chương trình kích cầu nội địa thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn, giảm lượng hàng tồn kho cho doanh nghiệp.
Do vậy, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu kịp thời để UBND thành phố Hà Nội ban hành Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2020 nhằm hưởng ứng Chương trình khuyến mại và kích cầu tiêu dùng nội địa trên toàn quốc của Bộ Công Thương được thực hiện đến hết 31/7/2020.
Hưởng ứng Chương trình khuyến mại tập trung của thành phố Hà Nội, tính từ ngày 27/5 đến ngày 9/6/2020, Sở Công Thương Hà Nội đã tiếp nhận trên 600 doanh nghiệp với gần 800 chương trình khuyến mại, tổng giá trị khuyến mại lên tới 1.200 tỷ đồng, với hạn mức giảm giá lên tới 70%.
Các lĩnh vực khuyến mại chủ yếu: Ngành hàng điện máy chiếm 30%, giá trị khuyến mại trên 360 tỷ đồng; ngành hàng tiêu dùng chiếm 20%, giá trị khuyến mại trên 240 tỷ đồng; ngành hàng thực phẩm chiếm 30%, giá trị khuyến mại trên 360 tỷ đồng; ngành hàng khác như may mặc, bất động sản, thuốc, giáo dục, thiết bị vật tư y tế… chiếm 20%, giá trị khuyến mại trên 240 tỷ đồng.
Nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu lợi dụng chương trình để tiêu thụ, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia chương trình cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức khuyến mại, tổ chức tốt các hoạt động bán hàng khuyến mại phục vụ nhân dân trên các kênh thương mại truyền thống và thương mại điện tử, bảo đảm văn minh thương mại.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định pháp luật, tuyệt đối không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp.
Tất cả hàng hóa tham gia chương trình khuyến mại được truy xuất nguồn gốc qua mã code, xác thực niêm yết trên từng sản phẩm, dịch vụ giảm giá và triển khai các hoạt động mua sắm thông minh qua ứng dụng di động, website của doanh nghiệp... Người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng sản phẩm tham gia chương trình khuyến mại tập trung Hà Nội 2020.
Giải pháp hữu hiệu
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cho biết, những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã khiến sức mua giảm sút, dẫn đến một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội 5 tháng đầu năm không tăng trưởng như mong muốn. Nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất khẩu, du lịch… thời kỳ hậu COVID-19 và những tháng cuối năm, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2020 là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Ngay từ đầu tháng 5 khi Thành phố đã cơ bản khống chế được dịch, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều chương trình kích cầu nội địa thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: “Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020” và các “Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội năm 2020”, Tuần hàng Việt, Phiên chợ Việt… liên tục được triển khai trong tháng 5 và tháng 6/2020 đã thu hút được gần 300 doanh nghiệp và trên 30 tỉnh, thành phố tham gia đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2020 đạt 46,9 nghìn tỷ đồng, tăng 45,9% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 6 tiếp tục có các hoạt động khuyến mại tập trung trên toàn địa bàn thành phố đưa các sản phẩm khuyến mại đến tay người tiêu dùng như Tuần hàng việt, Ngày vàng khuyến mại, Tuần hàng Việt, Phiên chợ Việt, Hội chợ OCOP, các sự kiện kích cầu du lịch...
Trong tháng 7 có Tuần doanh nghiệp tri ân người tiêu dùng tại 100 điểm bán hàng tri ân cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố, Ngày hội sản phẩm hàng hóa vì người tiêu dùng với hơn 50 gian hàng tri ân người tiêu dùng, Hội chợ vàng – hàng xuất khẩu, với quy mô 300 gian hàng; 12 sự kiện kích cầu nội địa, khuyến mại giảm giá do UBND các quận, huyện, thị xã triển khai; các chương trình giảm giá sách, thiết bị học tập, giảm giá kích cầu du lịch.
Tháng 11/2020 có các hoạt động như: Triển khai Tháng khuyến mại Hà Nội 2020 thường niên với chuỗi các hoạt động, sự kiện lớn như: Ngày hội tiêu dùng 4.0, sự kiện thương mại điện tử kết nối cung, Ngày hội khuyến mại du lịch, Ngày Vàng khuyến mại, Hội chợ Vàng khuyến mại... sẽ là đòn bẩy hữu hiệu nhằm hỗ trợ vực dậy các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất của Hà Nội, nhất là thông qua Chương trình Khuyến mại tập trung của thành phố Hà Nội năm 2020. Với nhiều hoạt động khuyến mại hấp dẫn, thiết thực, đặc biệt có những khuyến mại lên đến 100% sẽ là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Từ đó, thúc đẩy các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Báo tin tức
TIN CŨ HƠN
- Những mặt hàng được chuộng trong 6 tháng tới
- Cảnh báo sức mua sắm, tiêu dùng của xã hội giảm quá mức
- Chung tay kích cầu tiêu dùng sau dịch
- Bán lẻ chuyển hướng số hoá mạnh mẽ
- Ngành bán lẻ Việt Nam đón làn gió tái cấu trúc mang tên hậu Covid-19
- Ngành F&B hậu Covid-19: Phân tầng rõ rệt trước biến động, mở ra nhiều cơ hội lớn
- Giá rau, củ, quả giảm mạnh từ chợ cho đến siêu thị
- Việt Nam nhập khẩu 50.000 tấn thịt lợn từ đầu năm để tăng nguồn cung
- Covid-19 vừa châm ngòi cho một cuộc chiến mới giữa các ông lớn từ Grab, Now, Lazada cho tới Bách hóa xanh mang tên "Thực phẩm tươi sống"
- Kinh doanh buôn bán tấp nập sau quyết định nới lỏng cách ly xã hội