Hậu Black Friday: Nhiều cái kết “đắng” sau chen chân mua sắm

Bên cạnh tâm trạng hồ hởi, phấn khích khi săn được món hàng béo bở, nhiều người cũng "vỡ mộng" khi chen chân mua sắm dịp Black Friday.

Sự kiện Black Friday (Thứ 6 đen tối) bắt nguồn từ Mỹ nhưng nay đã lan tỏa ra toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là dịp để người tiêu dùng thỏa thích mua sắm mà không phải lo về giá cả khi mọi sản phẩm, từ quần áo đến thiết bị điện tử, đều được giảm giá rất sâu, thậm chí có cả giá 0 đồng.

Không khí mua sắm trong dịp Black Friday tại các cửa hàng, trung tâm thương mại diễn ra sôi nổi, thậm chí là hỗn loạn . Cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật hay thậm chí bạo lực là những hình ảnh thường không còn xa lạ trong ngày Black Friday - dịp mua sắm được mong chờ nhất năm.

Hậu Black Friday: Nhiều cái kết “đắng” sau chen chân mua sắm - Ảnh 1.
Bên cạnh tâm trạng hồ hởi, phấn khích khi săn được món hàng béo bở được giảm giá với mức "khủng", nhiều người cũng "vỡ mộng" khi chen chân mua sắm dịp Black Friday.

Dailymail cho hay, ở Mỹ, từ năm 2010 cho đến nay đã ghi nhận 10 người chết và hơn 100 người bị thương do chen lấn và ẩu đả trong ngày Black Friday.

Cụ thể, dịp mua sắm này năm nay, một nhân viên thời vụ của Wal-Mart đã bị đám đông người mua sắm hất ngã và giẫm chết lúc họ lao vào khi cửa hàng mở vào sáng sớm.

Nhiều người còn lợi dụng không khí hỗn loạn của ngày Black Friday để chôm đồ. Số lượng đồ bị chôm và những ca bị bắt nhiều tới mức nhân viên làm việc vào ngày Black Friday tăng đột biến.

Hậu Black Friday: Nhiều cái kết “đắng” sau chen chân mua sắm - Ảnh 2.
Cảnh tượng khách hàng ẩu đả vì tranh nhau mua sắm trong dịp Black Friday vốn rất phổ biến. (Ảnh: Daily Mail)

Theo Businessinsider, hầu hết mọi người định mua những món mình cần dịp siêu giảm giá Black Friday, nhưng cuối cùng họ lại rước về nhiều thứ không có trong kế hoạch, trong khi ví sạch bách. Mua đồ mà không có chiến lược hợp lý khiến bạn tốn kém hơn là tiết kiệm.

Điều quan trọng nhất bạn nên làm trước ngày Black Friday là nghiên cứu trước xem khuyến mãi nào là thật, cái nào chỉ là chiêu trò bởi dịp này cũng là cơ hội cho những kẻ lừa đảo để đánh vào lòng tham của người tiêu dùng, vì thế hãy tránh xa những món hời tới mức khó tin.

Công nghệ thay đổi rất nhanh. Thường những mẫu cũ sẽ được giảm giá và người bán sẽ cố mồi chài để bạn mua các sản phẩm lỗi thời. Hãy kiểm tra kỹ xem sản phẩm đó có thực sự đáng tiền không. Cũng đừng quên xem xét liệu vài tháng tới có cập nhật bản mới và món bạn mua giá sẽ còn tụt sâu nữa, Businessinsider đưa ra lời khuyên.

Thế nhưng, cũng giống như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP HCM, hàng nghìn người chen chân mua sắm tại các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang, công nghệ... nhân ngày Black Friday.

Hậu Black Friday: Nhiều cái kết “đắng” sau chen chân mua sắm - Ảnh 3.
Các cửa hàng đông nghịt khách, người mua - người bán tấp nập, nhiều người xếp hàng cả sáng không mua nổi vì cháy hàng.

Theo phản ánh của SaoStar, tại trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu, trước giờ mở cửa đã có rất đông khách hàng đứng đợi. Càng ngày, lượng khách đổ về càng đông hơn.

Lượng khách quá lớn đổ dồn một vào một thời điểm, nên hầm gửi xe chật cứng, đèn điện chập chờn vì quá tải, và đặc biệt, nhân viên mệt lử phải ngồi bệt xuống đất.

 Tại Aeon Mall Long Biên, lượng người đổ về đây mua sắm rất đông. Nhiều thương hiệu nổi tiếng luôn hút khách đến mua sắm. Đây là đợt Sale khủng nên những tín đồ thời trang thỏa sức mua sắm. Nhiều người mua vài chiếc túi xách, giày dép… Nhiều mặt hàng khác bị “cháy” khách tìm mua không còn.

Các cửa hàng đông nghịt khách, chen lấn hỗn loạn, khiến một số quầy hàng giảm giá "khủng" ngày Black Friday phải đóng cửa sắt.

Hậu Black Friday: Nhiều cái kết “đắng” sau chen chân mua sắm - Ảnh 4.

Nhiều cửa hàng lo cháy hàng và sợ khách hàng xô xát, khó kiểm soát nên đã đóng cửa sắt.


Vì quá mong muốn mua được hàng chất lượng tốt với giá khá rẻ so với giá niêm yết, người trước người sau chen lấn, dồn về phía trước. Người vào đã khó, người đã mua được hàng muốn ra cũng không hề đơn giản.


Cũng vì mải "săn" đồ giảm giá nên nhiều khách hàng bị kẻ gian móc túi, hoặc mất xe khi để trước cửa hàng để chen chân vào mua sắm.

Hãy nhớ rằng có rất nhiều chương trình giảm giá khác đang chờ. Đừng quá nôn nóng, sợ mình không mua ngay món đó thì nó sẽ hết hoặc không bao giờ có giá hời như vậy nữa. Tiền chưa tiêu vẫn là tiền của bạn. Các món hàng thì lúc nào cũng có./.

Theo: Trần Ngọc - VOV


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật