Kinh doanh khó khăn, hàng loạt cửa hàng tìm người thuê chung mặt bằng theo giờ
Theo tìm hiểu của PV, trên các hội nhóm, diễn đàn cho thuê mặt bằng, mỗi ngày có hàng chục bài đăng tìm người thuê chung.
Thực tế, hình thức thuê chung mặt bằng, chia nhau kinh doanh theo giờ đã có từ lâu, tuy nhiên, gần đây càng nở rộ và phổ biến hơn do tình hình kinh doanh sau dịch khó khăn, người kinh doanh tìm mọi cách để giảm gánh nặng tiền thuê mỗi tháng.
|
Trên các hội nhóm, xuất hiện hàng loạt bài đăng cho thuê mặt bằng theo giờ |
Vừa khai trương thêm một quán ăn tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) được khoảng 1 tháng nay, chị Liên đã lên các hội nhóm để tìm người thuê chung mặt bằng.
Chị Liên cho biết, chị kinh doanh bún chả, mỗi tháng phải trả tiền thuê mặt bằng cho chủ nhà là 12 triệu đồng/tháng. Trong khi chị chỉ bán từ sáng đến trưa, còn lại buổi chiều và buổi tối mặt bằng để trống. Chính vì thế, chị Liên muốn tìm người thuê chung để san sẻ tiền thuê hàng tháng.
Hằng ngày, chị bán hàng từ 6h sáng đến khoảng 13h thì dọn dẹp các vật dụng như bát đũa, nồi niêu, trả lại mặt bằng để chủ quán chuẩn bị bán ca chiều.
Chị cho chủ quán thuê mặt bằng bán từ chiều đến 22h đêm là 3 triệu đồng/tháng. Họ được dùng chung bàn ghế của cửa hàng chị. Yêu cầu ký hợp đồng 3 năm, thanh toán tiền thuê 6 tháng/lần và cọc 1 tháng tiền thuê. Sang năm tiếp theo, tiền thuê sẽ tăng lên 10%, tương đương mức tăng mà chị phải đóng cho chủ nhà.
Theo chị Liên, tại một cơ sở khác của chị cũng đang áp dụng hình thức cho thuê chung như vậy và thấy rất hiệu quả. Tính ra mỗi tháng, chị chỉ mất chi phí mặt bằng là 9 triệu đồng.
“Trong thời buổi kinh doanh khó khăn, việc thuê chung mặt bằng giúp cả hai bên đều tiết kiệm được chi phí đi thuê”, chị Liên nói.
Tương tự, chị Quỳnh Trang, chủ một quán ăn trên đường Đống Đa (Hải Châu, Đà Nẵng) cũng đang cần cho thuê lại mặt bằng buổi sáng, chiều.
|
Kinh doanh khó khăn, hàng loạt chủ cửa hàng tìm người thuê chung mặt bằng theo giờ. |
Theo chị Trang, chị mới mở quán ăn này được gần 1 năm nay và đầu tư vào đây hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, do dịch bệnh khiến việc kinh doanh trong một năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Vào buổi sáng, trưa, quán chị hoàn toàn trống và chỉ có khách vào buổi chiều, tối nên chị mới nghĩ đến việc cho thuê chung mặt bằng.
“Tiền thuê mặt bằng một tháng là 23 triệu đồng, khá đắt đỏ. Trong thời gian đóng cửa, thực hiện cách ly xã hội, chủ nhà cũng chỉ hỗ trợ miễn tiền thuê nhà trong 1 tháng mà thôi. Đến hết tháng này là tôi lại chuẩn bị đóng tiền thuê mặt bằng cho cả năm luôn nên giờ cần tìm người kinh doanh san sẻ mặt bằng, giảm bớt gánh nặng, có tiền đóng cho chủ nhà để còn kinh doanh tiếp”, chị Quỳnh Trang chia sẻ.
Bản thân chị phải đóng tiền cho chủ nhà cả năm/lần nhưng chị Trang đưa ra chính sách linh hoạt hơn cho người đi thuê chung là đóng tiền 6 tháng/lần, có thể ký hợp đồng 1 hoặc 2 năm.
Với diện tích quán hơn 80m2, đã có sẵn bàn ghế, đèn, có khu vực để cất đồ cuối ngày, bao luôn cả điện nước, người thuê thoải mái bán hàng từ 5h sáng tới 16h chiều với chi phí chỉ 7 triệu đồng mỗi tháng.
Với cách làm này, chị Trang sẽ giảm được khoảng 1/3 chi phí thuê mặt bằng. Còn người đi thuê cũng được sử dụng mặt bằng khang trang, rộng rãi, kinh doanh ở khu vực đông đúc với chi phí rẻ. Theo chị Trang, đây cũng là một cách quảng cáo cho quán. Khách đến ăn sáng tại quán có thể biết đến “không gian ẩm thực ba miền” của chị, biết đâu họ sẽ ghé lại quán để ăn tối.
Hình thức san sẻ mặt bằng theo giờ đang được nhiều chủ cửa hàng áp dụng để tiết kiệm chi phí, giảm áp lực, gánh nặng trong thời buổi kinh doanh khó khăn, èo uột. Bên cạnh đó, đối với nhiều chủ cửa hàng thì chia sẻ mặt bằng kinh doanh cũng là cách giúp tăng lượng khách, cả hai cùng có lợi.
TIN CŨ HƠN
- Thị trường Noel 2020 sôi động nhưng sức mua giảm sâu
- Hàng Tết đã lên kệ, giảm giá, khuyến mãi lớn chưa từng thấy
- Các chuỗi bán lẻ thay đổi thế nào sau dịch Covid-19?
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 tăng 13,2%
- TP HCM chuẩn bị hơn 19.679 tỉ đồng hàng Tết 2021
- Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường dịp cuối năm
- Bình ổn thị trường trong mùa mưa lũ
- 10 năm mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài vào bán lẻ: Doanh nghiệp Việt thắng thế hay bị lấn át?
- Bain & Company: 6 gợi ý tăng trưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ tại APAC
- Rau xanh, thịt lợn lại 'leo thang' sau mưa bão