Lo 'thắt lưng buộc bụng' vì giá cao
Theo thông tin từ Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, thời gian qua giá xi măng, cát, đá, nhôm, kính… đều “leo thang”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của các nhà thầu xây dựng. Nhiều nhà thầu vừa khó tìm việc, song lại không dám nhận việc, vì không có khả năng và biện pháp đối phó với bão giá. Giá vật liệu tăng cũng đẩy giá nhà lên cao.
Mới đây, một doanh nghiệp trong ngành xi măng vừa phải cho dừng 4 dây chuyền sản xuất. Đại diện DN này cho biết, giá than cám loại 4b mà DN nhập về đã lên tới 5,5 triệu đồng/tấn, trong khi trước kia chưa đến 2 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá xăng dầu cũng tăng hơn 50% trong nửa đầu năm 2022, giá thạch cao tăng 50%, đẩy toàn bộ chi phí sản xuất tăng phi mã.
“Mỗi tấn xi măng sản xuất ra có giá thành 1,4-1,5 triệu đồng, trong khi giá bán ra thị trường chỉ 1,1 - 1,3 triệu đồng. Thành thử, với mỗi tấn xi măng, doanh nghiệp đang lỗ từ 200.000 đến 240.000 đồng. Quan trọng hơn, thị trường dư thừa xi măng, bán rẻ cũng không dễ có người mua. Đây là lý do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất”, đại diện doanh nghiệp này xác nhận.
Một nhà thầu xây dựng tại miền Bắc khác thì cho biết, xi măng, sắt thép, giá nhân công tăng hàng loạt trong mấy tháng qua khiến cả chủ đầu tư, nhà thầu và khách hàng lo lắng giá thành xây dựng sẽ tăng.
Theo tính toán của vị này, với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí khác chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60 - 70%. Như vậy, giá các mặt hàng tăng sẽ khiến mỗi m2 xây dựng tăng 15-20%. Từ đó công trình sẽ “đội” giá lên từ 10 lên 15%.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh miền Bắc phân tích: Trong cơ cấu giá nhà chung cư hiện nay, tiền đất chỉ chiếm 25%; 75% còn lại là chi phí cho vật liệu xây dựng, bao gồm cả vật liệu hoàn thiện. Hiện, cước vận chuyển, giá sắt thép, xi măng đều tăng mạnh, đặc biệt, giá vật liệu hoàn thiện cũng tăng cao. Giá chung cư vì thế mà bị đội lên rất nhiều.
Dân thắt chặt chi tiêu
Mỗi khi giá xăng dầu tăng, hàng loạt mặt hàng phục vụ đời sống người dân ngay lập tức tăng giá. Từ đầu năm tới nay, lương thực, thực phẩm liên tục tăng giá. Một số mặt hàng có mức tăng liên tục như dầu ăn với mức tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/lít.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, gần như đã thành thường lệ, khi hàng hoá hình thành mặt bằng giá mới, mặc cho yếu tố đầu vào đã giảm, giá hàng hóa hầu như không giảm. Ông Hùng nhận định, hiện tượng này không bảo đảm bình đẳng giữa người kinh doanh và người tiêu dùng. Trong bối cảnh “bão giá”, người tiêu dùng phải “thắt lưng, buộc bụng” cắt giảm chi tiêu, tình trạng này rõ ràng khó chấp nhận.
“Cơ quan quản lý có thẩm quyền, thực hiện chức năng quản lý giá theo quy định với hàng hóa thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá, như: sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đường ăn, gạo tẻ thường, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người…”, ông Hùng nói.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định, từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng 11.000 đồng/lít, và hiện mới giảm hơn 6.000 đồng/lít, chưa đủ “độ chín” để giá cả hàng hóa có thể hạ theo. Kể cả trong trường hợp giá hàng hoá điều chỉnh giảm, thì theo quan sát của ông Phú, cứ với 3 bậc tăng, thì khi điều chỉnh, giá mới giảm được nửa bậc.
Ông Phú phân tích: “Nếu đặt địa vị mình là người kinh doanh, 5 tháng đầu năm liên tục phải bù lỗ khi xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng, bây giờ là lúc bù đắp lại, họ sẽ khó giảm giá hàng hóa ngay. Chưa kể, trước dự báo của Bộ Công Thương, giá xăng 2 tháng tới có thể quanh mức 31.000 đồng/lít. DN, tiểu thương vẫn phải “nín thở” theo dõi các kỳ điều chỉnh tới”.
Ông Phú nhấn mạnh, giá xăng dầu trở về mức 20.000 - 22.000 đồng/ lít, thì mới tạo dư địa cho DN, tiểu thương điều chỉnh giá hàng hoá. “Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu, trước 30/7, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ các phương án giảm thêm thuế với xăng dầu. Đây là việc cấp thiết, không thể chờ đến kỳ họp Quốc hội tháng 10. Chúng ta sẽ tiếp tục bỏ lỡ thời cơ giảm giá, như những gì đã diễn ra hồi đầu năm”, ông Phú nói.
Trả lời câu hỏi “Vì sao giá hàng hóa không hạ?”, đại diện một siêu thị cho biết, họ chỉ là nhà phân phối, giá bán phụ thuộc vào mức tăng giảm của nhà sản xuất nên trước thông tin giá xăng giảm sâu, siêu thị cũng kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm để người tiêu dùng bớt đi các chi phí. Vị này cho biết, thông thường giá sản phẩm thiết lập mức giá bán mới sẽ rất khó hạ.
Để kiểm soát giá thịt lợn, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao, tác động làm tăng giá lợn và gây áp lực lên lạm phát, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ NN&PTNT, Tài chính, Công Thương theo dõi chặt diễn biến và có biện pháp bình ổn giá theo quy định.
Theo Báo Tiền Phong
TIN CŨ HƠN
- Cần thỏa thuận những gì có lợi cho startup khi chọn kinh doanh nhượng quyền?
- Thứ trưởng Trần Duy Đông chỉ ra 3 lý do doanh nghiệp Việt khó tham gia chuỗi giá trị: Tầm nhìn ngắn, hạn chế tương trợ, chưa dám mạo hiểm
- Tại sao kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự đoán?
- CPI tăng 0,09%, thấp nhất trong 5 năm
- Nhiều thách thức với 3 trụ cột trong "cỗ xe tam mã
- Thận trọng kiểm soát chặt giá cả thị trường những tháng cuối năm
- Chỉ số trao quyền người tiêu dùng tại Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp
- Thương mại toàn cầu đồng loạt tăng trưởng mạnh kéo theo các nền kinh tế phục hồi
- Bộ Công thương dự kiến thương mại trong nước đạt 13,5% giá trị tăng thêm vào GDP đến năm 2025
- CEO Leflair nhận định về các ông lớn trên thị trường TMĐT Việt Nam: Tiki truyền cảm hứng, Shopee “kỳ diệu” nhưng Lazada mới bền vững nhất