Tại sao kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự đoán?
Tác động kinh tế của Covid-19 tiếp tục gây bất ngờ. Vào mùa xuân, những lần phong tỏa nhiều nơi đã đẩy hoạt động kinh tế xuống mức thấp không thể tưởng tượng. Tuy nhiên, sự phục hồi đến mạnh và sớm hơn dự kiến. Một số lĩnh vực tại Mỹ và các nền kinh tế khác đã phục hồi về mức trước khủng hoảng.
Những nỗi sợ 'chưa thành'
Khi Covid-19 buộc các nền kinh tế phải đóng cửa hoạt động, một cuộc suy thoái kinh tế tàn bạo đã diễn ra, phá vỡ nhiều kỷ lục tiêu cực trước đó. Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia của BCG Henderson Institute (Mỹ), tác động kéo dài của đại dịch, về cả hệ thống và chu kỳ, đã bị nhiều người đánh giá quá cao, vì cường độ nhất thời của cú sốc đã thúc đẩy chủ nghĩa bi quan về kinh tế lan rộng.
Những lo sợ mang tính hệ thống này đã được đưa vào các dự đoán, cho rằng một cuộc Đại suy thoái mới sẽ đến, dẫn đến các vụ vỡ nợ công quốc gia, sụp đổ hệ thống ngân hàng và giảm phát.
Tuy nhiên, thực tế là giá cả ổn định lại sau chao đảo ban đầu, chi phí đi vay của các nước đã giảm trên toàn thế giới dù họ vay nhiều hơn và hệ thống ngân hàng ít có vấn đề về thanh khoản. Nên cuối cùng, những nỗi sợ mang tính hệ thống không thành hiện thực và chưa bao giờ nguy hiểm như năm 2008.
Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp - một thước đo nền tảng của sức khỏe nền kinh tế - từng được dự báo sẽ ở mức cao vào cuối năm 2021. Các nhà phân tích thì dự đoán làn sóng phá sản, thị trường nhà ở suy yếu và khả năng sụp đổ kinh tế.
Vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã giảm sớm và nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Vào tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã thấp hơn dự báo trước đó cho thời điểm cuối năm 2021.
Thị trường nhà ở cho thấy khả năng phục hồi đáng kể, với giá hầu như không giảm và doanh số tăng kỷ lục. Nhiều bộ phận của nền kinh tế Mỹ đã trở lại mức hoạt động trước khủng hoảng. Thật vậy, GDP quý III của nước này là mức tăng trưởng quý cao nhất từng được ghi nhận. Dù điều này không phản ánh kinh tế Mỹ đã khỏe mạnh lại hoặc về mức trước khủng hoảng, nhưng nó là cho sự phục hồi cực kỳ mạnh mẽ sau quý II.
Diễn biến này cũng tương tự ở nhiều nơi trên thế giới, khi những chỉ số kinh tế mới nhất có thấy kết quả phục hồi lạc quan hơn dự kiến, ngoại trừ Trung Quốc, nơi từ đầu đã dự kiến về khả năng phục hồi là hoàn toàn có cơ sở.
Suy thoái do Covid-19 qua nhanh
Có ba khía cạnh của suy thoái kinh tế mà khi kết hợp với nhau sẽ có thể giúp định hình động lực phục hồi. Cuộc suy thoái do Covid-19 có các đặc điểm khác biệt, giúp giải thích phần lớn tại sao phục hồi đến nhanh hơn.
Bản chất suy thoái: Khía cạnh này xét đến động lực cơ bản của suy thoái, như vỡ nợ đầu tư, khủng hoảng tài chính, lỗi chính sách hoặc một cú sốc ngoại sinh đang ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Bất chấp cường độ tàn khốc, cú sốc Covid-19 không có bản chất tựa như một vụ vỡ nợ đầu tư hoặc một cuộc khủng hoảng tài chính, vốn là trung tâm của hai cuộc suy thoái gần đây nhất (vào năm 2001 và 2008- 2009). Suy thoái do đại dịch đến mà không từ một trục trặc về cấu trúc tài chính, những điều vốn là vấn đề làm trì hoãn quá trình phục hồi.
Phản ứng chính sách: Điều này quyết định con đường phục hồi. Ở Mỹ, tốc độ, tính khả thi và hiệu quả của chính sách tài khóa đã được chứng minh. Theo các chuyên gia BCG, quan niệm số người nhiễm và chết vì Covid-19 quyết định chặt chẽ đến phong độ của nền kinh tế là "sai lầm". Họ cho rằng mối tương quan đó là yếu, vì chính xác phải hiểu rằng phản ứng chính sách mạnh mẽ giúp thu hẹp một số thiệt hại kinh tế, gây ra bởi các biện pháp chống dịch.
Nhóm chuyên gia cho rằng, tác động cuối cùng của chính sách là ngăn chặn một kiểu "lây lan" khác. Đó là các hộ gia đình, doanh nghiệp phá sản và hệ thống ngân hàng lung lay. Và đấy mới là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại về cơ cấu.
Thiệt hại cấu trúc: Đây là yếu tố quan trọng, quyết định hình dạng của một cuộc suy thoái. Khi suy thoái dẫn đến suy giảm chi tiêu vốn và đẩy người lao động ra khỏi lực lượng lao động, năng lực sản xuất của nền kinh tế giảm xuống. Đó là những gì đã xảy ra ở Mỹ vào năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính làm gián đoạn tăng trưởng nguồn vốn dự trữ và khiến việc quay trở lại mức trước khủng hoảng khó hơn nhiều.
Về mặt này, suy thoái do Covid-19 thuận lợi hơn, vì không có "phần nhô ra" nào, tức không có sự dư thừa trong đầu tư hoặc cho vay cần phải được giải quyết. Ngoài ra, phản ứng chính sách nhanh chóng - không giống như năm 2008 - đã ngăn chặn tình trạng phá sản và thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ hình chữ V trong các đơn đặt hàng sản xuất. "Cho đến nay, cuộc suy thoái Covid-19 có vẻ đã tránh được những thiệt hại lớn về cấu trúc", nhóm chuyên gia bình luận.
Liệu phục hồi còn khó lường?
Nỗi lo sợ về một sự sụp đổ kinh tế vẫn là điều còn phổ biến trong các cuộc họp của các công ty. Kịch bản thực sự tồi tệ thường được nhắc đến là một cuộc suy thoái hình chữ W, có nghĩa là sau phục hồi ban đầu thì sẽ còn một giai đoạn suy thoái khác. Nói cách khác, tại Mỹ, sau sụp đổ vào quý II, phục hồi mạnh vào quý III thì có thể cần một quý IV hoặc quý I/2021 tăng trưởng âm.
Khi nào kịch bản này xảy ra? Để có khả năng thì chắc chắn cần đợt bùng phát mạnh mẽ của virus, đi kèm với việc phong tỏa chặt chẽ. Theo các chuyên gia, dù có thể xảy ra một đợt dừng hoạt động khác như đang diễn ra ở châu Âu, nhưng ở Mỹ, việc đóng cửa chọn lọc có nhiều khả năng là do các động lực chính trị.
Tăng trường quý này và năm sau của Mỹ được dự báo là dương, nhưng vẫn có một số rủi ro. Ví dụ việc tiếp tục không mở rộng các biện pháp kích thích tài khóa có thể làm giảm tốc đội phục hồi. Bất ổn chính trị, liên quan đến một kết quả bầu cử gây tranh cãi cũng nằm trong danh sách rủi ro.
Ý nghĩa với doanh nghiệp
Trong thời kỳ khủng hoảng, người ta thường dễ bi quan và lo sợ. Tuy nhiên, khuynh hướng bi quan và thoái lui cũng chính là điều mang lại rủi ro. Một cuộc khảo sát của BCG chỉ ra rằng, 14% doanh nghiệp Mỹ đã tăng trưởng cả doanh thu và tỷ suất lợi nhuận trong thời kỳ suy thoái.
Các chuyên gia cho rằng, đây không phải là do họ may mắn do nằm trong các ngành hưởng lợi, mà chủ yếu nhờ vào khả năng nhìn xa hơn giai đoạn cấp tính của cuộc khủng hoảng và khai thác những thế mạnh riêng của bản thân nhằm thúc đẩy tăng trưởng khác biệt trong những hoạt động mới.
"Việc theo dõi toàn cảnh vĩ mô vẫn là quan trọng, nhưng các nhà lãnh đạo không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc đo lường, phân tích và khai thác các động lực trong lĩnh vực, thị trường của chính họ để có thể đầu tư và phát triển trong thời kỳ phục hồi và sau khủng hoảng", nhóm chuyên gia khuyến nghị.
Phiên An (theo Harvard Business Review)
TIN CŨ HƠN
- CPI tăng 0,09%, thấp nhất trong 5 năm
- Nhiều thách thức với 3 trụ cột trong "cỗ xe tam mã
- Thận trọng kiểm soát chặt giá cả thị trường những tháng cuối năm
- Chỉ số trao quyền người tiêu dùng tại Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp
- Thương mại toàn cầu đồng loạt tăng trưởng mạnh kéo theo các nền kinh tế phục hồi
- Bộ Công thương dự kiến thương mại trong nước đạt 13,5% giá trị tăng thêm vào GDP đến năm 2025
- CEO Leflair nhận định về các ông lớn trên thị trường TMĐT Việt Nam: Tiki truyền cảm hứng, Shopee “kỳ diệu” nhưng Lazada mới bền vững nhất
- Gió đổi chiều trong chuỗi cung ứng toàn cầu
- Đây chính là mối đe doạ suy thoái kinh tế toàn cầu
- Hậu Covid-19: Khách hàng vẫn sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm chất lượng