Thứ trưởng Trần Duy Đông chỉ ra 3 lý do doanh nghiệp Việt khó tham gia chuỗi giá trị: Tầm nhìn ngắn, hạn chế tương trợ, chưa dám mạo hiểm

Chỉ 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lọt được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%, theo một báo cáo của ADB...

"Doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống của nền kinh tế. Xương sống mạnh thì cả cơ thể mới mạnh được", ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, nhận định.

Chia sẻ tại hội nghị bàn tròn "Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa với Hiệp định EVFTA", ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết Việt Nam có khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm tới 97%, đóng góp 45% GDP và 31% tổng ngân sách, thu hút hơn 5 triệu lao động.

EVFTA là cơ hội cho Việt Nam, khi gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Châu Âu sẽ được xóa bỏ thuế theo lộ trình. Đây là mức cam kết cao nhất của một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông nhìn nhận qua hội nhập kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn khi tham gia vao chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu do năng lực cạnh tranh hạn chế. Theo Thứ trưởng Đông, thực trạng này có 3 nguyên nhân chính.

Một là, doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên gặp khó khăn khi huy động nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa có chiến lược đầu tư cho phát triển dài hạn, đôi lúc doanh nghiệp còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư phát triển.

Hai là, doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để trở thành đối tác lâu dài, hướng đến mục tiêu phát triển chung.

Ba là, nhận thức của một số doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ngắn hạn, chưa xác định được tầm nhìn dài hạn với tư duy chiến lược.

"Đây là bài toán Chính phủ luôn trăn trở, làm sao để tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói thêm.

"Thiếu liên kết" cũng là nhận định của TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi đề cập đến thách thức của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam.

Không chỉ thiếu tính liên kết với các doanh nghiệp quy mô lớn, các SMEs Việt Nam còn thiếu tính liên kết với nhau. TS. Thảo dẫn báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết: Chỉ 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lọt được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%.

 

Bên cạnh đó, SME Việt Nam còn hạn chế trong tiếp cận nguồn lực, hạn chế về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, và mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ, nhưng khả năng tiếp cận của SME tới các hỗ trợ còn hạn chế.

SME hiện càng có nhiều cơ hội phát triển hơn khi có sự tham gia của các Hiệp định thương mại tự do hay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, hầu hết quy mô các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, dẫn đến hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động thấp.


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật