Bộ Công thương dự kiến thương mại trong nước đạt 13,5% giá trị tăng thêm vào GDP đến năm 2025
Với mục tiêu thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Bộ Công thương phấn đấu đến năm 2025, giá trị tăng thêm của lĩnh vực thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5% vào GDP.
Bộ Công thương ước tính tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chưa loại trừ yếu tố giá sẽ đạt khoảng từ 9 - 9,5%/năm.
Theo Bộ Công thương, hiện nay, thị trường trong nước đã và đang trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Đáng chú ý, đến năm 2025, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đạt khoảng 35-40%, đồng thời dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại tại các thành phố lớn, điển hình như: trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại-dịch vụ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, trung tâm logistic,...
Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung quản lý nhà nước đối với thị trường; tăng cường năng lực điều tiết thị trường đối với các mặt hàng trọng yếu; thông qua các công cụ, cơ chế phù hợp để điều tiết, ổn định thị trường; tăng cường quản lý hoạt động kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Đồng thời, theo dự kiến của Bộ Công thương, đến năm 2025, khoảng 90% cơ sở kinh doanh ở các tỉnh, thành phố không còn trường hợp bày bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, Bộ cũng dự kiến sẽ có đến 90% các kho hàng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho thuê kho tại các tỉnh, thành phố không chứa hàng nhập lậu, hàng giả; 100% cơ sở kinh doanh tại các tỉnh, thành phố thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; 100% các làng nghề không sản xuất hàng giả.
Bộ Công thương nhấn mạnh tại báo cáo tổng kết "Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020", thị trường trong nước nắm vai trò quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho người dân, góp phần quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, Bộ Công thương nêu rõ, trong 5 năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng khoảng 9,2%.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng từ 3.546 nghìn tỷ đồng trong năm 2016 lên đến 4.940 nghìn tỷ đồng vào năm 2019. Đặc biệt, đóng góp của thị trường trong nước vào GDP cũng tăng liên tục, từ 10,5% năm 2016 lên 11,16% năm 2019.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối cung-cầu, góp phần bình ổn giá trên thị trường. Từ đó, hệ thống hàng Việt đã dần lớn mạnh và nhận được ủng hộ từ người tiêu dùng trên khắp nước.
Theo: Báo dân sinh
TIN CŨ HƠN
- CEO Leflair nhận định về các ông lớn trên thị trường TMĐT Việt Nam: Tiki truyền cảm hứng, Shopee “kỳ diệu” nhưng Lazada mới bền vững nhất
- Gió đổi chiều trong chuỗi cung ứng toàn cầu
- Đây chính là mối đe doạ suy thoái kinh tế toàn cầu
- Hậu Covid-19: Khách hàng vẫn sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm chất lượng
- Bán lẻ sẽ “không bơi” nếu không bị “ném xuống nước”
- Chuyên gia góp ý về thời gian giãn thuế cho DN: Chưa kịp hồi sức, lại phải cấp cứu
- Duy trì và mở rộng kinh doanh trong giai đoạn "bình thường mới": Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?
- TS Vũ Thành Tự Anh chỉ cách giúp hàng loạt chuỗi F&B lớn Golden Gate, The Coffee House, KFC... tiếp cận được gói tín dụng 600.000 tỷ của ngân hàng
- Online hay là chết - Lựa chọn khắc nghiệt mùa Covid: Doanh nghiệp của bạn chọn dẫn dắt làn sóng số hay để nó cuốn trôi?
- Bộ Công Thương chỉ ra những vấn đề về giá thịt lợn