Mô hình bán lẻ hiện đại mới chỉ dừng lại ở Bách Hoá Xanh, VinMart, FPT Shop, Pharmacity… vẫn còn rất nhiều ngành đang chờ khai phá
Là một ngành gắn liền với đời sống và tiêu dùng của người dân, bán lẻ tại thị trường Việt Nam ghi nhận tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2019; đặc biệt ở thành phố cấp 2 trong khi có dấu hiệu hạ nhiệt tại các thành phố lớn.
Ngành bán lẻ tiếp tục tăng trưởng với xu hướng cao cấp hóa và trực tuyến hóa
Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.083 ngàn tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, động lực chính đến từ nhóm sản phẩm Văn hóa – Giáo dục, Thực phẩm và Gia dụng. Về khu vực, những đô thị cấp 1-2 đang cho thấy tốc độ tăng trưởng cao (>15%) so với các trung tâm kinh tế Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM (12%). Đặc biệt, mạng lưới bán lẻ hiện đại (MT – tăng 19% về giá trị) tăng trưởng mạnh hơn kênh truyền thống (GT – chỉ tăng 5% về giá trị).
Sự sôi động của thị trường còn thể hiện qua các thương vụ sáp nhập đình đám, tiếp nối cuộc cạnh tranh khốc liệt trong nước lẫn ngoài nước những năm gần đây. Ghi nhận, năm 2019 Vingroup lần lượt thâu tóm Viễn Thông A, Fivi mart, GM Việt Nam, Shop & Go, Queensland. Tháng 6/2019, Saigon Co.op mua lại chuỗi siêu thị Auchan, điều này cho thấy kinh nghiệm thấu hiểu địa phương đã chiến thắng mô hình kinh doanh quốc tế trong phân khúc siêu thị/cửa hàng tiện lợi.
Thương vụ gây nhiều bất ngờ giới tài chính, gần cuối năm Masan Consumer chính thức công bố sáp nhập Vincommerce và VinEco.
Có rất nhiều yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của ngành bán lẻ nước ta, ghi nhận tại Báo cáo mới công bố của Chứng khoán VCB (CVBS) bao gồm:
(i) Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trở lại đây, đạt đỉnh vào quý 3/2019.
(ii) Thu nhập bình quân gia tăng với tốc độ cao thứ nhì khu vực tạo ra 2 hiệu ứng khiến người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu nhiều hơn (thể hiện qua tăng trưởng sản lượng); đồng thời dịch chuyển qua phân khúc cao cấp hơn với yếu tố giá cả gia tốc. Lúc này, người tiêu dùng cũng trở nên khắt khe hơn về chất lượng.
(iii) Phân chia theo nhóm mặt hàng, bách hóa và điện lạnh gia dụng là những mặt hàng có doanh thu bán lẻ cao nhất thị trường.
Nhìn chung, với tâm lý tiêu dùng tích cực, xu hướng bán lẻ đang dần chuyển sang phân khúc cao cấp. Mặt khác, xu hướng già hóa và thu nhập tăng khiến người dân hướng tới sự tiện lợi và tốt cho sức khỏe.
Việt Nam đã qua thời kỳ dân số vàng, và bước dần vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ trọng người cao tuổi tăng lên. Tương ứng, nhu cầu về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thực phẩm hữu cơ ngày một gia tăng tại các đô thị lớn. Tầng lớp trung lưu gia tăng với quỹ thời gian hạn hẹp hơn đang chú trọng mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi hay mua sắm trực tuyến.
Đáng chú ý, mức độ thâm nhập cao của internet cũng đang dần thay đổi hành vi tiêu dùng. Hiện tại, mức độ tiếp cận và sử dụng internet của người Việt Nam đã ở mức cao so với khu vực. Thêm vào đó, sự phát triển của điện thoại thông minh cùng với xu hướng tiêu dùng tiện lợi đã dẫn tới xu hướng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.
Kết quả, những món đồ có giá trị cao và đồ tươi sống vẫn có xu hướng mua trực tiếp. Cùng với đó, trang thương mại điện tử tiếp tục lên ngôi, dẫn đầu theo độ phổ biến gồm Shopee (75%), Lazada (70%), Tiki (58%), Facebook (54%), Sendo (44%), Adayroi (25%).
Vẫn còn rất nhiều ngành phân mảnh đang chờ khai phá
Dự báo cho năm 2020, đô thị hóa mở rộng cùng với thu nhập gia tăng là tiền đề cho các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng về các thành thị cấp 2. Trong đó, với mối tương quan lên tới 93% giữa thu nhập và đô thị hóa cùng dự báo thu nhập 4.100 USD/năm trong 2026, VCBS kỳ vọng đô thị hóa của Việt Nam sẽ gia tăng đạt tới 49% trong giai đoạn 2025-2030.
Hiện tại, doanh số bán lẻ đang tập trung tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, trước mức độ gia tốc đô thị hóa, VCBS đánh giá cao các thành thị cấp 2 sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho các doanh nghiệp bán lẻ thay cho các thành phố lớn hiện hữu.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã dần hoàn thiện mô hình bán hàng, và đang nhanh chóng nhân rộng ra các khu vực lân cận thành phố lớn. Minh chứng khá rõ ràng đến từ số liệu của Bách Hoá Xanh cho thấy các cửa hàng ngoại thành mang lại doanh thu lớn với tốc độ tăng trưởng cao hơn nội thành, hay như tỷ trọng doanh thu của PNJ từ các thành thị cấp 2 đang gia tăng nhanh chóng.
Trên thực tế, các cửa hàng thuộc mô hình hiện đại mới chỉ tập trung tại một số nhóm ngành nhất định như điện thoại di động, điện máy, dược phẩm, thực phẩm đồ uống... theo đó thị trường bán lẻ vẫn còn rất nhiều các sản phẩm vẫn đang trong tình trạng phân mảnh chờ được khai phá.
Cụ thể, mô hình bán lẻ hiện đại hiện nay được áp dụng tại các nhóm ngành lớn, đơn cử là bách hóa (MWG, Vincommerce), điện thoại, điện tử gia dụng (MWG, FRT), trang sức (PNJ), dược phẩm (FRT, Pharmacity, VinFa,...)...
Trong số các ngành hàng trên, các nhà bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm được phần lớn thị phần tại nhóm điện thoại và điện tử gia dụng, trong khi đó các ngành hàng bách hóa, trang sức và dược phẩm vẫn đang được khai phá.
Điển hình như ngành hàng bách hóa, thị phần của MT mới chỉ chiếm khoảng 8% khá thấp so với các nước trong khu vực, song có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Điều này cho thấy MWG đã lựa chọn một trong những sân chơi hấp dẫn nhất để tham gia.
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Bán lẻ năm 2019: Hàng loạt biến động lớn của ngành gắn liền với Vingroup - bán VinCommerce, giải thể VinPro, VinFa, sáp nhập Adayroi vào VinID...
- Phía sau hàng loạt thương vụ M&A trên thị trường bán lẻ vừa qua là tin vui gì cho thị trường Việt Nam?
- Đại gia bán lẻ bắt tay với fintech
- Doanh nghiệp nội dẫn dắt cuộc chơi bán lẻ năm 2019
- Đại gia bán lẻ Hàn đổ đến Việt Nam
- Số phận trái ngược của các đại gia bán lẻ Hàn ở Việt Nam: Lotte Mart sau 8 năm giậm chân tại chỗ vì không được ưa chuộng như Aeon hay Takashimaya, E-Mart mở thêm cửa hàng vì quá thành công
- Thị trường bán lẻ hiện đại trước những làn sóng mới
- So sánh 6 yếu tố quyết định thành công trong ngành bán lẻ của các "ông trùm" để biết tại sao Vincommerce vượt xa Saigon Co.op, Lotte, AEON,...
- “Nâng hạng” vào siêu thị
- Xu hướng bán lẻ đa kênh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam