Nhà bán lẻ thắng lớn sau đại dịch?

Big C tăng 67%, Vinmart tăng 30%, Co.opmart tăng 16%... về lượng giao dịch trong giai đoạn ảnh hưởng của Covid-19. Thế nhưng, liệu trong giai đoạn “bình thường mới” này, mức tăng trưởng của các nhà bán lẻ có thay đổi?

Siêu thị tăng trưởng 

Theo nghiên cứu của Kanta WorldPanel về bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại thị trường Việt Nam cho thấy, chi tiêu cho FMCG của Việt Nam tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm 2020, đặc biệt ở khu vực thành thị. Tuy nhiên, thị trường sẽ quay trở lại mức tăng một con số khi mùa dịch đi qua.

Trong thời gian qua, các giỏ hàng “mùa dịch” được nạp đầy với ba nhóm hàng hóa chính gồm các loại thực phẩm cần thiết và tiện lợi, các sản phẩm vệ sinh và giúp tăng cường sức khỏe, phản ánh mức độ ưu tiên của người tiêu dùng (NTD) cho các nhu cầu cơ bản trong thời gian cách ly. Ngoài ra, với các chiến dịch stayhome (ở nhà), những mặt hàng liên quan đến nhu cầu kết nối, các nhu cầu xã hội như đồ ăn vặt, các sản phẩm giúp đơn giản hóa việc nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng tăng trưởng tích cực. 

Mô hình mua sắm hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, siêu thị mini tăng trưởng vượt bậc các kênh truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hoá nhờ số lượng giao dịch tăng. Những mô hình kinh doanh như cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và kênh mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của FMCG. Cụ thể, ở lĩnh vực siêu thị và đại siêu thị, Co.opmart tăng trưởng 16%, Big C tăng 60% và Vinmart tăng 30%. Trong phân khúc siêu thị mini, Bách hoá Xanh tăng 70%, Vinmart+ tăng 86%, Satrafoods tăng 10%. Ở kênh trực tuyến, lượng giao dịch của Facebook tăng đến 126% so với trước, Shopee tăng 102%, Tiki tăng 69%...

Các kênh bán lẻ tăng trưởng vượt bậc với hàng FMCG

Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Việt Nam WorldPanel cho rằng, sự thay đổi hành vi mua sắm của NTD đã đem lại tăng trưởng vượt bậc cho nhiều nhà bán lẻ trong mùa dịch, và có thể tạo bàn đạp để duy trì và tiếp tục phát triển trong dài hạn.

Từ khi cuộc sống “bình thường mới” thiết lập, kinh tế Việt Nam được mong đợi sẽ phục hồi một cách nhanh chóng. Các chuyên gia dự báo, sẽ có sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng FMCG, tùy thuộc vào bản chất của thương hiệu và ngành hàng, cũng như khác biệt về địa lý và nhân khẩu học. Cụ thể, các sản phẩm vệ sinh, chăm sóc cá nhân và nhà cửa tiếp tục giữ vững tăng trưởng. Các sản phẩm như gia vị nấu ăn, đồ ăn vặt, thực phẩm đóng gói, thực phẩm đông lạnh, các bữa ăn thay thế giảm mạnh. Các nhu yếu phẩm sử dụng lâu dài như giặt ủi, dầu gội, kem đánh răng, nước rửa chén trở lại như trước đây. Trong khi đó, các sản phẩm không dùng thường xuyên, không thiết yếu như mỹ phẩm, đồ uống có cồn, nước hoa sẽ hồi phục chậm hơn…Và khi nhu cầu tiêu dùng đã thay đổi, mức tăng trưởng của kênh siêu thị, đại siêu thị như Big C, Co.opmart, Vinmart hay các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini như Bách hoá Xanh, Satrafoods… sẽ khó có mức tăng trưởng cao như trước đây. 

Mua sắm online lên ngôi

Nghiên cứu của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao mới công bố cho rằng, trong tương lai gần, NTD TP.HCM ưu tiên tiêu dùng sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, NTD Hà Nội quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm không thiết yếu (may mặc, gia dụng...) thì NTD các tỉnh - thành khác lại chú ý đến các mặt hàng hóa phẩm, chất tẩy rửa và sản phẩm vệ sinh. 

Thực phẩm luôn là mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm

Sau dịch, NTD dè dặt và thận trọng hơn trong lựa chọn tiêu dùng, các sản phẩm thiết yếu bảo vệ sức khỏe sẽ là những ưu tiên trong đời sống tiêu dùng. “Các doanh nghiệp nên tận dụng xu hướng này bằng cách khuyến khích NTD duy trì những thói quen tốt (ý thức chăm sóc sức khỏe). Điều này có thể được thực hiện bằng cách thuyết phục NTD về những lợi ích lâu dài cùng với chiến lược thị trường phù hợp, luôn hiện hữu đúng nơi với giá cả hợp lý”, bà Nguyễn Phương Nga khuyến cáo.

Cũng theo Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, NTD e dè trong mua sắm trực tiếp nhưng lại yêu thích hình thức trực tuyến. Khảo sát của Hội này cho thấy, trong thời gian, qua sắm trực tuyến đã bùng nổ ấn tượng. Theo đó, có 82% NTD được khảo sát cho biết mua online trong thời gian cách ly xã hội vì dịch Covid-19. Và 98% những người đã mua online trong thời gian dịch bùng phát sẽ vẫn tiếp tục duy trì mua online trong tương lai. “Xu hướng gia tăng mua sắm trực tuyến tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến”, chuyên gia của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết. 

Không chỉ bán trực tiếp, bán hàng online đang được các nhà bán lẻ đẩy mạnh kinh doanh

Theo các chuyên gia, sự thuận tiện cộng với việc hàng hóa phong phú, đa dạng, dễ lựa chọn và nhiều ưu đãi, khuyến mãi là những tác nhân quan trọng thu hút NTD lựa chọn mua sắm online. Đó cũng là lý do thời gian qua, hầu hết các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C, Vinmart hay các cửa hàng tiện lợi như Vinmart+, Bách hoá Xanh… đều đẩy mạnh bán hàng online. Đơn cử, hệ thống siêu thị Co.opmart đã đưa vải thiều lên bán online thông qua ví điện tử Momo và chỉ sau 8 giờ triển khai đã có hơn 8 tấn vải thiều được tiêu thụ và chương trình vẫn đang tiếp tục.

Bán hàng online đang đóng góp không nhỏ vào doanh số các hệ thống bán lẻ. Và không chỉ trong hiện tại mà trong tương lai, đây là kênh bán hàng và quảng bá thương hiệu hữu hiệu cho nhiều doanh nghiệp. Để khai phá tiềm năng của kênh này, các doanh nghiệp và nhà bán lẻ phải đảm bảo chất lượng hàng hoá, dịch vụ giao hàng… Cùng với đó, các doanh nghiệp phải hiểu sâu khắc khách hàng mục tiêu, tái định vị thương hiệu trong lòng khách hàng mới, thiết kế hành trình của khách hàng mới và thay đổi kênh bán hàng cũng như cách tiếp thị phù hợp với những khách hàng này.

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật