Nhiều công ty 'bắt chước' cửa hàng hiện đại Amazon Go

Nhiều startup lẫn các hãng tên tuổi đang nỗ lực để “bắt chước” cửa hàng Amazon Go, hoặc đưa ra hướng mới nhằm bổ sung trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng.

Theo Bloomberg, Mighty AI là một trong các hãng như thế. Công ty dành nhiều năm xây dựng phần mềm giúp xe tự lái nhận ra vật thể trong thế giới thực, song đến tháng 2.2018, đội ngũ bán hàng của hãng nhận được yêu cầu khá lạ. Thay vì “dạy” xe tự hành phát hiện người đi đường và ô tô, khách hàng muốn xe tự lái có thể lấy hàng từ kệ hàng siêu thị. Vài tháng sau, Mighty AI ký thỏa thuận để thực hiện yêu cầu này, tham gia vào cuộc đua giúp giới bán lẻ truyền thống bắt kịp đà phát triển của Amazon.

Cách đây một năm, Amazon mở nhiều cửa hàng tiện dụng không thu ngân tên là Amazon Go. Đây là nỗ lực lớn nhất của hãng thương mại điện tử Mỹ nhằm thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm. Hiện nhiều doanh nghiệp cố gắng làm theo Amazon Go hoặc khám phá cách mới để vận hành sáng tạo cửa hàng.

Các hãng này gồm startup như Mighty AI cùng cả các hãng lớn như Microsoft, Kroger và Walmart. Walmart đang thử nghiệm theo phong cách Amazon Go, trong khi Kroger và Microsoft thông báo liên doanh mới mang trải nghiệm thương mại điện tử đến tạp hóa bình thường.

Mẫu NanoStore đặt tại một trạm tàu. Ảnh: AiFi.

Amazon có 9 cửa hàng Amazon Go tại ba thành phố ở Mỹ. Họ không có kế hoạch bán công nghệ độc quyền cho các hãng bán lẻ khác. Steve Sarracino, nhà sáng lập hãng đầu tư Activant Capital, cho rằng các giới công nghệ có thị trường giải pháp bán cho nhà bán lẻ rất rộng.

Đơn cử, triển lãm thương mại của National Retail Foundation ở New York hồi tuần trước giới thiệu NanoStore do AiFi sản xuất. Đây là khu mua sắm nhỏ, kích thước chưa đầy 15 mét vuông, có thể được đặt giữa máy bán hàng tự động và cửa hàng tiện lợi nhỏ. Hệt như Amazon Go, NanoStore có nhiều camera và cảm biến trên kệ nhằm theo dõi khách hàng khi họ chọn mua đồ. Sau khi chọn xong, khách chỉ cần chạm vào một ứng dụng hoặc quét thẻ tín dụng để thanh toán.

CEO AiFi Steve Gu chia sẻ công nghệ của doanh nghiệp giống với của Amazon nhưng tự động hóa nhiều hơn. Trong khi Amazon Go có đội ngũ nhân viên để quản lý kệ lưu trữ và hỗ trợ khách, nguyên mẫu NanoStore hoàn toàn tự động. AiFi cho hay tuần trước, hãng bán lẻ Carrefour của Pháp và Zabka của Ba Lan vừa cam kết thử nghiệm công nghệ này.

Rất nhiều hãng cạnh tranh với AiFi. Đơn cử, đến ba startup khác nhau mở cửa hàng không thu ngân thí điểm tại khu vực San Francisco Bay Area hồi tháng 8 năm ngoái. Một trong số này là Standard Cognition. Nhà đồng sáng lập Michael Suswal của Standard Cognition cho hay Amazon hợp thức hóa không gian bán lẻ dạng này và buộc đối thủ phải tìm cách cạnh tranh.

Vốn mạo hiểm rót vào các hãng tự động hóa bán lẻ truyền thống tăng vọt năm 2018, sau khi cửa hàng không thu ngân Amazon Go đầu tiên xuất hiện tại Seattle. Ảnh: Bloomberg.

 Không chỉ doanh nghiệp mà giới đầu tư cũng háo hức rót vốn cho công nghệ bán lẻ mới. Số vốn mạo hiểm hậu thuẫn các hãng phát triển tự động hóa cửa hàng đạt 111 triệu USD năm 2018. Nửa số tiền này chảy về Standard Cognition. Dù mới lạ và hút vốn nhưng hiện còn quá sớm để chắc chắn rằng thử nghiệm mua sắm mới sẽ được triển khai toàn diện hoặc đem lại kết quả tốt hơn.

Một số hãng khác có cách tiếp cận khác lạ, đặt mục tiêu cung cấp trải nghiệm tiện lợi, công nghệ cao cho cửa hàng mà không buộc họ phải trả phí lắp đặt thêm camera, cảm biến hoặc chỉnh sửa lại cửa hàng. Lindon Gao là doanh nhân khởi động thử nghiệm công nghệ bán lẻ mới sau khi mệt mỏi với hàng dài người chờ đợi trong dịp lễ mua sắm đại hạ giá Black Friday.

Năm 2016, ông Gao cho phép khách hàng dùng mã trên smartphone để xóa thể chống trộm trên quần áo, đồng thời trả tiền cho sản phẩm mà không cần ra quầy thu ngân. Dù vậy, các nhà bán lẻ không mặn mà với ý tưởng này vì nó đòi hỏi đầu tư lớn về thời gian và tiền bạc nhằm gắn thẻ hàng với thiết bị mới.

Giỏ hàng thông minh Caper tại cửa hàng Foodcellar & Co. Ảnh: Bloomberg.

Vì thế sau đó, ông chuyển sự chú ý đến các siêu thị và cửa hàng tạp hóa ở New York, tái phát minh giỏ hàng bằng cách tích hợp thêm máy quét và hệ thống thanh toán. Giỏ hàng do Caper, hãng do ông Gao đồng sáng lập, sản xuất. Nó trông như giỏ hàng siêu thị bình thường kết hợp máy tính xách tay, đầu đọc thẻ tín dụng và chiếc cân nhỏ cho các mặt hàng tính tiền theo khối lượng.

Khách hàng có thể quét mã vạch khi chọn sản phẩm bỏ vào giỏ. Giỏ hàng ngày càng thông minh hơn nếu được sử dùng nhiều nhờ vào camera chụp ảnh mỗi món hàng khi chúng được quét. Khi “đủ thông minh”, giỏ hàng tự nhận biết sản phẩm trong giỏ mà không cần quét. Cửa hàng sản phẩm tự nhiên Foodcellar là đơn vị thử nghiệm giỏ hàng thông minh Caper một năm qua tại Long Island City.

“Trải nghiệm thuận lợi là một phần của tương lai. Đó sẽ là thế giới hybrid (lai tạp). Một số người thích tương tác, nhưng một số khác thì không thích giao tiếp với ai, chỉ muốn vào cửa hàng, chọn đồ mình cần rồi rời đi”, ông Gao nhận định.

 

Thu Thảo
Nguồn: Thanh Niên

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật