Những 'kỳ lân' sẽ IPO năm 2020
Airbnb
Airbnb nhiều khả năng sẽ lên sàn năm 2020. Sáng lập ứng dụng đặt phòng khá kín tiếng về kế hoạch chào sàn. Thông tin chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Airbnb mới công bố vào tháng 11 năm ngoái. Trả lời phỏng vấn trên CNBC, sáng lập Airbnb, Brian Chesky cho biết: "Nhiều doanh nghiệp nôn nóng IPO vì cần tiền, chúng tôi thì không. Vì vậy không cần quá vội vã".
"Airbnb sẽ tiếp tục mở rộng và tăng trưởng trong thời gian tới, nhưng một số vấn đề có thể ảnh hưởng tới bức tranh IPO năm 2020", Cond Condra, người đứng đầu bộ phận phân tích tại Pitch Book nhận định. "Đó là những nghi ngại về mức lỗ ngày càng lớn trong báo cáo tài chính, vấn đề quyền riêng tư và chất lượng, thuế, các quy định và sự xuất hiện của nhiều đối thủ mới vào thị trường cho thuê khách sạn, như Sonder, WhyHotel...", vị chuyên gia cho biết.
|
Đại diện Airbnb tại sự kiện công bố tháng 11/2019. Nguồn: BussinessInsider. |
Airbnb công bố doanh thu quý 2 năm 2019 đạt trên 1 tỷ USD và không tiết lộ lợi nhuận. Hiện có hơn 7 triệu phòng trên 100.000 thành phố trên hệ thống Airbnb.
Theo PitchBook, Airbnb đã huy động được tổng cộng 4,4 tỷ USD. Startup "kỳ lân" được định giá 31 tỷ USD năm 2017. Airbnb là một trong hai công ty có 7 năm liên tiếp nằm trong danh sách Disruptor 50 của CNBC (top 50 công ty có tác động lớn và tạo thay đổi lên các ngành kinh tế). Năm 2019, Airbnb đứng vị trí thứ 7.
Casper
Đứng vị trí thứ 8 sau Airbnb trong danh sách Disruptor 50 2019 là Casper - startup bán nệm online.
Tháng 3 năm ngoái, thông tin Casper chuẩn bị IPO được đồn đoán thông qua các hoạt động tìm kiếm đơn vị đầu tư và bảo hiểm. Tháng 9 cùng năm, CEO Philip Krim khẳng định thời gian sắp tới nhiều tiềm năng để chào bán ra công chúng.
Casper cho thấy sự tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ gần đây. Startup mở các cửa hàng vật lý (brick-and-mortar store) bên cạnh bán online và mở rộng sản phẩm như tấm trải giường, khung giường, đèn ngủ...
Tuy nhiên, vẫn có nhiều hoài nghi về mức định giá tỷ USD của Casper, trong bối cảnh IPO của nhiều startup về nệm và nội thất gần đây không mấy khả quan. Đơn cử, cổ phiếu các đối thủ cạnh tranh của Casper như LoveSac và Purple đều chững lại hoặc rớt giá sau IPO, khiến giới đầu tư nghi ngờ về tiềm năng tăng trưởng và định giá của các công ty lĩnh vực này.
Theo PitchBook, Casper đã huy động tổng cộng 355 triệu USD, được định giá 1,1 tỷ USD. 2019 là năm đầu tiên Casper có tên trong bảng xếp hạng Disruptor 50.
Casper tạo ra thay đổi cho thị trường nệm truyền thống, đặc biệt về trải nghiệm mua hàng khi thay các showroom, cửa hàng bằng hình thức đặt và giao hàng online. Nệm được đóng hộp và cho khách dùng thử 100 ngày miễn phí. Startup nhanh chóng thu về 1 triệu USD trong chưa đầy 1 tháng ra mắt.
Didi Chuxing
Ứng dụng đặt xe thành lập năm 2012, được gọi là "Uber của Trung Quốc" tiết lộ kế hoạch IPO từ 2 năm trước. Kể từ thời điểm này đã chứng kiến nhiều màn IPO thất vọng của các tên tuổi lớn cùng lĩnh vực như Uber và Lyft, khiến kỳ vọng của giới đầu tư giảm đáng kể đối với các công ty cho thuê xe lái.
Thực tế, Didi Chuxing từng chuẩn bị lên sàn vào năm 2019, với mức định giá khoảng 80 tỷ USD. Tuy nhiên, kế hoạch này hoãn lại. Từ bài học xương máu của Uber và Lyft IPO, các nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi liệu các công ty thuê xe đang được định giá quá cao.
Theo PitchBook, công ty đã huy động được hơn 22 tỷ USD, hiện được định giá 57,6 tỷ USD. Didi Chuxing từng đánh bại Uber ngay tại thị trường Trung Quốc khi mua lại mảng kinh doanh dịch vận tải của Uber tại đây. Didi Chuxing từng tuyên bố số lượng tài xế mỗi ngày nhiều gấp đôi so với Uber và gấp 15 lần Lyft.
GitLab
Năm 2018, sáng lập và giám đốc điều hành Sid Sijbrandij công bố trên trang web của GitLab về kế hoạch IPO vào tháng 11 năm 2020. "Chúng tôi vạch ra mục tiêu rõ ràng, điều đó tạo nên niềm tin mạnh mẽ rằng GitLab sẽ thành công", Sijbrandij nói.
GitLab trở thành kỳ lân năm 2018, sau khi huy động được 100 triệu USD từ công ty đầu tư Iconiq Capital và được định giá 1 tỷ USD. Năm ngoái, startup đã huy động thêm 268 triệu USD, tăng giá trị lên gấp đôi thành 2,75 tỷ USD.
GitLab không có văn phòng, với hơn 1.000 nhân viên từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm việc trực tuyến 100% từ xa. Startup là nền tảng chia sẻ và lưu trữ code trực tuyến dành cho các lập trình viên, nhà phát triển trên toàn cầu. Các cuộc họp, thảo luận, thuyết trình... đều thực hiện online, tài liệu lưu trữ trên hệ thống để các nhân viên có thể truy cập.
DoorDash
Một startup giới đầu tư dự đoán sẽ IPO năm nay là ứng dụng giao đồ ăn DoorDash. Khoản rót vốn mới nhất trị giá 2 tỷ USD vào startup này đến từ các nhà đầu tư SoftBank và Sequoia Capital, định giá công ty 12,7 tỷ USD. Ứng dụng này cho biết chưa có lãi. Cuối năm ngoái, DoorDash bị cáo buộc bỏ túi những khoản tiền tips từ khách hàng đáng lẽ phải chuyển tới cho tài xế
Cựu giám đốc tài chính Uber, Adarkarh đảm nhận vị trí CFO của DoorDash vào năm 2018. Kể từ đó, công ty đã huy động được hơn 1 tỷ USD, mở rộng thị trường gấp ba lần tới hơn 4.000 thành phố trên khắp Mỹ, Canada, Puerto Rico và Australia.
Startup giao đồ ăn DoorDash do SoftBank rót vốn. Nguồn: TechCrunch. |
Năm 2019 từng được kỳ vọng vào giá trị IPO kỷ lục, nhưng sau khi lên sàn, nhiều startup công nghệ đình đám lại gây thất vọng. Cổ phiếu Uber lao dốc ngay sau khi IPO 8,1 tỷ USD vào tháng 5. Đối thủ của Uber tại Mỹ là Lyft cũng IPO vào tháng 3 với mức định giá 21 tỷ USD, nhưng sau đó giảm xuống chỉ còn 15 tỷ USD.
Một startup kỳ lân 'khủng' về chia sẻ không gian làm việc WeWork thậm chí còn không thể IPO. Tháng 1/2019, WeWork tự định giá tới 47 tỷ USD sau khi nhận khoản đầu tư 1 tỷ USD từ SoftBank. Tuy nhiên, giá trị vốn hóa của startup rớt xuống còn 10 tỷ USD sau khi cáo bạch IPO được công bố vào tháng 8, cho thấy kết quả kinh doanh lỗ thảm hại. Sau đó, CEO WeWork Adam Neumann từ chức, kế hoạch IPO bị hoãn.
"2019 là một năm lên sàn của nhiều kỳ lân khổng lồ nhưng lại không có lãi, điều này khó có thể lặp lại vào năm 2020. Thực tế đã chứng minh, khả năng huy động vốn, định giá cao của các công ty không đủ hấp dẫn giới đầu tư vốn ngày càng thận trọng và không mặn mà đặt cược vào những công ty chứa nhiều rủi ro", Paul Condra, chuyên gia phân tích tại PitchBook nhận định.
"Dù thị trường IPO có khả năng duy trì ổn định trong năm tới, sẽ có ít cái tên hấp dẫn được tung ra thị trường. Mức định giá cao sẽ dành cho các công ty có kế hoạch lợi nhuận rõ ràng và mức độ rủi ro thấp", vị chuyên gia nói thêm.
Phong Vân (Theo CNBC, Inc)
TIN CŨ HƠN
- Cô gái Đan Mạch bỏ việc ở công ty danh tiếng McKinsey để startup, thành bà chủ kinh doanh đồ ăn thừa cho 18 triệu thực khách
- Startup Việt vào top mô hình giáo dục toàn cầu tiêu biểu
- Bỏ việc văn phòng làm 12 giờ/ngày, chàng trai chi 200 USD và dành 1,5 giờ/tuần, thu về 1 triệu USD nhờ bán hàng online trong 92 ngày
- Hậu Shark Tank: Startup vận chuyển được Shark Vương rót vốn ngày nào tăng trưởng thần tốc, CEO 2 năm liên tiếp lọt top doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc
- 2019 - Năm ấn tượng của startup Việt: TMĐT và Fintech thăng hoa, deal gọi vốn “khủng” nhất lên tới 300 triệu USD
- Khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp - con đường sáng cho startup công nghệ
- Startup Việt tính chuyện ra nước ngoài gọi vốn
- Startup ứng dụng công nghệ in 3D sản xuất chi giả cho người khuyết tật, gọi vốn được hơn 22 triệu USD, quy mô thị trường lên tới gần 3 tỷ USD
- Mặc lùm xùm, màn đầu tư của Shark Liên với startup dạy nhảy Zumba vẫn “thuận buồm xuôi gió”, công ty tăng trưởng đến 130%/tháng
- Hậu Shark Tank, startup trò chơi do Shark Thủy "đỡ đầu" tăng trưởng chóng mặt: Doanh thu cán mốc 1 triệu USD, được offer gấp 6 lần cam kết trên truyền hình