Bốn điểm bán hàng lưu động được Aeon Việt Nam phối hợp cùng chính quyền mở tại quận Long Biên, cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân khi Hà Nội giãn cách.
Theo Aeon Việt Nam, từ hôm qua (2/8) các xe bán hàng lưu động với mức giá bình ổn đã được hệ thống này triển khai tại 4 điểm bán ở quận Long Biên, gồm số 5 đường Vạn Hạnh, Khu đô thị Việt Hưng; sân bóng đảo Sen - 125 Nguyễn Sơn; sân chơi tổ 33 cũ - 34 phố Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy) và số 11 Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh).
Ông Đàm Mạnh Tuấn - Giám đốc Siêu thị Aeon Long Biên cho biết, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn hàng, vận chuyển cũng như lưu thông hàng hoá được liên tục. Giá bán hàng lưu động tương đương với giá trong siêu thị. Tổng cộng khoảng 8 tấn mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô... được đưa tới 4 điểm bán lưu động phục vụ người dân.
Danh mục hàng và giá bán được niêm yết công khai. Nhân viên bán hàng và khách đều được yêu cầu thực hiện đầy đủ quy định 5K với sự hỗ trợ và điều phối của UBND các phường. Mỗi người khi vào mua đều được đo thân nhiệt, khai báo y tế... trước khi mua hàng.
Bốn điểm bán lưu động của siêu thị này sẽ được duy trì trong suốt thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Từ giữa tháng 7, các siêu thị Aeon tại Hà Nội đã tăng trữ các mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, cá, thịt) từ 200- 400% , thực phẩm khô (mì, miến, ..) từ 120-130%. Bộ phận thu mua cũng làm việc với các nhà cung cấp để dự phòng, tăng nguồn hàng và có phương án tăng diện tích kho chứa hàng dự trữ. Số lượng nhà cung cấp cũng tăng gấp đôi, đáp ứng nhu cầu đột biến của người dân.
Trước Hà Nội, Aeon Việt Nam đã tổ chức các điểm bán lưu động ở TP HCM và hiện vẫn duy trì 20 điểm bán, với khoảng 50 tấn hàng thiết yếu cung cấp cho người dân thành phố. Ước tính mỗi điểm bán hàng lưu động sẽ phục vụ trung bình 200-300 lượt mua sắm.
Trong khi đó, một số hệ thống phân phối cho biết họ đang cân nhắc hoặc chưa có kế hoạch mở điểm bán lưu động thời điểm này. Nguyên nhân là họ đang tập trung đảm bảo nguồn hàng, bình ổn giá trong hệ thống khi nhu cầu mua sắm tăng gấp 3 so với bình thường. Ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG chia sẻ, việc thiếu hụt nhân sự và khó tuyển nhân viên bán hàng trong mùa dịch cũng là lý do hệ thống này chưa mở điểm bán lưu động.
Hà Nội đang tạm đóng cửa loạt chợ đầu mối, chợ truyền thống và siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi do liên quan các ca nhiễm Covid-19. Gần nhất, 40 siêu thị, cửa hàng tiện lợi của VinMart và VinMart+ tại Hà Nội phải đóng cửa do liên quan ca F0 của Công ty thực phẩm Thanh Nga. Bộ Công Thương khẳng định, hàng hoá cho người dân Hà Nội vẫn đảm bảo.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã có phương án bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu bị dừng. Theo danh sách công khai của Sở Công Thương Hà Nội, so với ngày 29/7, số điểm bán hàng hoa thiết yếu hiện giảm 328 điểm còn 7.866 và 455 chợ truyền thống.