Thành công vang dội với chuỗi Aeon Mall, nhưng các thương vụ hợp tác của Aeon với Trung Nguyên, Fivimart đều thất bại

Trái ngược với hình ảnh thành công của chuỗi trung tâm mua sắm Aeon Mall, Aeon lại gặp không ít thách thức khi bắt tay liên kết với các thương hiệu bán lẻ trong nước.
Thành công vang dội với chuỗi Aeon Mall, nhưng các thương vụ hợp tác của Aeon với Trung Nguyên, Fivimart đều thất bại

Thành lập từ năm 1758, Aeon là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới với 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật Bản. Tại Việt Nam, Công ty TNHH Aeon Việt Nam chính thức được thành lập vào cuối năm 2011 với vốn điều lệ 192,38 triệu USD.

Dù chỉ mới hiện diện tại Việt Nam nhưng Aeon đã mau chóng gây được tiếng vang trong ngành bán lẻ khi triển khai hàng loạt thương vụ hợp tác với những thương hiệu trong nước như Trung Nguyên, Fivimart, Citimart và nổi bật là khai trương chuỗi trung tâm mua sắm Aeon Mall.

Trong năm 2014, Aeon đã khai trương 2 trung tâm mua sắm là Aeon Mall Celadon tại Tân Phú, TP.HCM và Aeon Mall Canary Tại Bình Dương. Sang năm 2015, Aeon tiếp tục khai trương thêm Aeon Long Biên tại Hà Nội và một năm sau đó là Aeon Bình Tân tại TP.HCM, nâng tổng số trung tâm mua sắm Aeon Mall tại Việt Nam lên con số 4.

Việc mở rộng hệ thống trung tâm mua sắm đã mang lại kết quả kinh doanh khả quan cho Aeon Việt Nam. Theo số liệu chúng tôi có được, trong năm 2016, doanh thu Aeon Việt Nam đạt 3.883 tỷ đồng, gấp 3 lần thời điểm khai trương 2 Aeon Mall đầu tiên tại Bình Dương và TP.HCM (năm 2014). Không những vậy, Aeon Việt Nam cũng không còn lỗ như năm đầu vận hành chuỗi Aeon Mall mà đã ghi nhận 54 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Sang năm 2017, hoạt động kinh doanh Aeon Việt Nam tiếp tục ghi nhận những con số tích cực với doanh thu 5.136 tỷ đồng – tăng 32%; Lợi nhuận trước thuế 234 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm trước đó. Đây là con số khá ấn tượng với một "tân binh" như Aeon khi Việt Nam đã có khá nhiều trung tâm mua sắm lớn như Lotte, BigC, Metro…

Thành công vang dội với chuỗi Aeon Mall, nhưng các thương vụ hợp tác kinh doanh của Aeon tại Việt Nam đều thất bại thảm hại - Ảnh 1.

Mặc dù được mở tại những vị trí xa trung tâm, nhưng các chuỗi Aeon Mall luôn thu hút được đông đảo khách hàng tới tham quan mua sắm nhờ những tiện ích vượt trội đi kèm. Hiện tại, ngoài 4 trung tâm Aeon Mall đã đi vào hoạt động, tới đây Aeon sẽ tiếp tục mở thêm 2 trung tâm nữa tại Hải Phòng và Hà Đông. Theo kế hoạch được công bố, Aeon sẽ mở 20 đại siêu thị Aecon Mall tại Việt Nam đến năm 2025.

Thất bại với các thương vụ hợp tác kinh doanh tại Việt Nam

Trái ngược với hình ảnh thành công của chuỗi trung tâm mua sắm Aeon Mall, Aeon lại gặp không ít thách thức khi bắt tay liên kết với các thương hiệu bán lẻ trong nước.

Năm 2011, ngay khi gia nhập thị trường Việt Nam, Aeon đã bắt tay với Trung Nguyên triển khai chuỗi cửa hàng tiện ích Ministop. Thời điểm đó, Ministop đặt ra tham vọng mở 500 cửa hàng trong vòng 5 năm, thông qua thỏa thuận nhượng quyền thương mại với Trung Nguyên.

Tuy vậy, sau hơn 3 năm hoạt động, Ministop vẫn phát triển tương đối ì ạch và chỉ mở được chưa đến 20 cửa hàng, trong khi nhiều đối thủ như FamilyMart, Circle K, B's Mart, Shop & Go, Vinmart…xuất hiện đã gây khó khăn cho Ministop. Với hiệu quả của thương vụ không như mong đợi, Aeon đã dừng nhượng quyền cho Trung Nguyên và chuyển chuyển sang bắt tay đối tác Nhật Sojitz.

Không chỉ thất bại với cái bắt tay với Trung Nguyên, Aeon còn gặp nhiều khó khăn trong việc hợp tác với các chuỗi siêu thị lớn trong nước như Fivimart và Citimart.

Đầu năm 2015, Aeon bất ngờ tuyên bố mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần Citimart, hai chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam, một ở phía Bắc và một ở phía Nam. Sự hợp tác này được kỳ vọng mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Với Aeon là giúp "đại gia" này xâm nhập nhanh hơn vào thị trường Việt Nam, cũng như tạo bàn đạp mở rộng ra toàn khu vực Đông Nam Á.

Còn với Fivimart và Citimart, sự hiện diện của Aeon sẽ giúp các chuỗi bán lẻ trong nước nâng cao thương hiệu, uy tín cũng như mở rộng hệ thống phân phối mạnh hơn nữa. Quả thực, sự góp mặt của Aeon đã giúp hệ thống Fivimart ngày càng mở rộng và hiện đã nâng lên con số 23 còn với Citimart là gần 30.

 

Sau 3 năm hợp tác với Aeon đã giúp Fivimart và Citimart mở rộng hệ thống. Tuy nhiên, lợi nhuận mà hai chuỗi siêu thị này đạt được là điều khá đáng thất vọng khi liên tục thua lỗ.

Thành công vang dội với chuỗi Aeon Mall, nhưng các thương vụ hợp tác kinh doanh của Aeon tại Việt Nam đều thất bại thảm hại - Ảnh 2.

Năm 2015 (năm đầu tiên hợp tác), Fivimart báo lỗ 60 tỷ đồng và đến năm tiếp theo số lỗ đã lên 96 tỷ đồng. Trong năm 2017, tình hình có chút cải thiện nhưng Fivimart vẫn lỗ 23 tỷ đồng, kéo theo số lỗ lũy kế lên tới 197 tỷ đồng.

Tương tự là trường hợp Citimart khi chuỗi siêu thị này báo lỗ 91 tỷ đồng trong năm 2015 và trong năm 2016 tiếp tục lỗ 33 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Citimart tính tới cuối năm 2016 cũng lên tới 157 tỷ đồng.

Mới đây, Aeon đã phát đi thông báo về việc hủy hợp tác nghiệp vụ, hợp tác liên kết vốn với Fivimart sau 3 năm đầu tư bởi sự khác biệt về phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của hai đơn vị. Hiện nay, fanpage của Fivimart cũng không còn gắn kèm logo Aeon. Fivimart cũng đã công bố thay đổi bộ nhận diện thương hiệu đến các đối tác, khách hàng.

Minh Anh

Theo: Trí thức trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật