Vì đâu The Coffee House đóng cửa mô hình Signature – niềm tự hào một thuở của Founder kiêm cựu CEO Nguyễn Hải Ninh?

Cựu CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh vừa thay ảnh cover bằng tấm hình cũ của The Coffee House Signature – mô hình premium của Nhà cà phê vừa đóng cửa.

Mô hình Signature được mở ra vào tháng 4/2018, hoạt động tương tự mô hình Reverse của Starbucks – thiên nhiều về trải nghiệm với tệp khách hàng cao cấp hơn.

The Coffee House Signature vừa chính thức đóng cửa trong sự tiếc nuối của "người cũ", khép lại 3 năm tiến vào mô hình premium của Nhà cà phê

"Thật tiếc khi nghe tin biểu tượng và cái nôi văn hoá cà phê của "Nhà" phải đóng cửa. Nhiều đam mê và niềm tin về cà phê tử tế được khởi nguồn từ đây", ông Võ Duy Phú – cựu Giám đốc Thương mại và Marketing tại The Coffee House bày tỏ trên trang cá nhân.

Founder kiêm "linh hồn" của The Coffee House một thuở Nguyễn Hải Ninh cũng thay ảnh cover trên trang cá nhân bằng tấm hình cũ của The Coffee House Signature - mô hình anh gửi gắm nhiều tâm huyết.

 
Mô hình Signature là gì?

"Nhà cà phê" từng bộc bạch: "Signature hiểu theo nghĩa đen là "chữ ký" – một dòng chữ nhỏ bé nhưng mang dấu ấn đặc trưng, độc nhất, đại diện cho mỗi con người.

Ảnh: The Coffee House.

Có thể xem The Coffee House Signature là một phiên bản chắt lọc những giá trị đặc trưng nhất của Nhà Cà Phê. Những giá trị ấy được khoác lên mình một hình hài mới bởi sự tận tụy, sự tỉ mỉ và đam mê của hàng trăm con người làm việc tại đây, với hy vọng để lại một dấu ấn nào đó từ những điều nhỏ nhặt nhất, bắt đầu từ những hạt cà phê".

Hiểu nôm na, nó là mô hình premium – xu hướng của các chuỗi F&B mà tại Việt Nam, người mở màn đầu tiên là Starbucks với việc thế chân Highlands Coffee tại phố Nhà Thờ và khai trương mô hình Reserve.

Starbucks Reserve lựa chọn Hà Nội và khai trương vào tháng 5/2017, thì đến tháng 4/2018, The Coffee House ra mắt mô hình Signature tại TPHCM, với menu "kén" hơn, giá mắc hơn chút xíu, khách có thể trải nghiệm cả quá trình pha chế như ông Phú từng chia sẻ trên Vietcetera: Người ta đến đây để Nghe cà phê, Ngửi cà phê và Hiểu cà phê.

Chấp nhận "đau thương" trong ngắn hạn

Chia sẻ với Doanh nghiệp & Tiếp thị, đại diện The Coffee House cho biết thương hiệu này sẽ lựa chọn dịch chuyển.

"Mình cắt giảm những thứ kém hiệu quả, chưa phù hợp để dồn nguồn lực cho các đổi mới. Trong ngắn hạn, sẽ có nhiều đau thương, nhưng dài hạn, chúng ta sẽ có nguồn tăng trưởng mới cùng với sự trở lại của nguồn thu cũ. Như vậy chả hay hơn sao", vị này nhấn mạnh.

Mất cân đối dòng tiền là thử thách lớn cho cả hệ thống

  9 tháng năm 2021, ngành F&B thực tế chỉ hoạt động được 3 tháng, 6 tháng còn lại hoạt động trong dịch với các mức độ kiểm soát khác nhau tùy theo tình hình dịch ở từng địa phương và chính sách nhà nước.

Trong đợt dịch lần 4 này, hầu hết các cửa hàng The Coffee House buộc tạm đóng cửa để tuân thủ quy định chống dịch, đồng nghĩa với việc doanh thu sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian giãn cách.

"Số lượng cửa hàng lớn, chi phí cố định rất cao. Ngoài chi phí cho mặt bằng, nhân viên, khoản chi cho nguyên vật liệu vẫn phải trả cho nhà cung cấp dù không sử dụng vì mọi thứ đã được đặt mua lên kế hoạch trước 2 quý. Nên việc mất cân đối dòng tiền là thử thách lớn cho cả hệ thống", đại diện công ty bày tỏ.

Nỗi đau lớn của các DN F&B: Mặt bằng Việt Nam đắt hơn cả Dubai, chiếm tới 40% doanh số

Ảnh minh họa. Nguồn: AP.

Trong câu chuyện lùm xùm về việc đơn phương giảm giá thuê mặt bằng mới đây của Thế giới Di động, một số liệu rất đáng ngưỡng mộ trong kinh doanh của doanh nghiệp này được đưa ra – tỷ lệ chi phí mặt bằng/doanh thu của Thế giới Di động và Điện máy Xanh chỉ ở mức 1,5% - 2% - một con số mơ ước của bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ nào.

"Ông vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP trong một sự kiện năm 2014 từng nhắc đến một nghịch lý: Ở các quốc gia khác, tỷ lệ thuê mặt bằng trên doanh thu chỉ vào khoảng 10 - 12%, còn ở Việt Nam, tỷ lệ này lên đến 32 - 38%.

Soya Garden thời điểm chiếm vị trí Ngã 6 Phù Đổng của Phúc Long đã trả giá tới 25.000 USD/tháng cho mặt bằng trước đó Phúc Long chỉ trả 14.000 USD/tháng

 "Những vị trí đẹp đều có giá thuê mặt bằng quá cao, khiến doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam gặp khó khăn, khó cạnh tranh với doanh nghiệp lớn của nước ngoài, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ không trường vốn".

"Bởi giá thuê quá cao nên cùng một thương hiệu, tỷ lệ lãi trên doanh thu từ các shop ở Việt Nam vào khoảng 5-7 % trong khi các chi nhánh quốc tế khác lên đến 20 - 25%", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Chia sẻ với chúng tôi về tỷ lệ chi phí mặt bằng/doanh thu, ông Hoàng Tùng – CEO PizzaHome kiêm Cloud Cook tiết lộ: Với một doanh nghiệp F&B chuyên bán hàng mang đi, tỷ lệ phân bổ cho tiền thuê mặt bằng tối đa là 15%.

"Tuy nhiên cũng có những chuỗi lớn trong ngành F&B có chi phí mặt bằng chiếm tới 40% doanh thu", ông Tùng nói.

"Mặt bằng" cũng là nỗi đau của các nhà bán lẻ. Tại một sự kiện hồi năm ngoái, bà Vũ Thị Hậu – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam – cũng đề cập chuyện giá mặt bằng tại Việt Nam đắt đỏ top đầu khu vực.

So sánh giá thuê mặt bằng tại Việt Nam với khu vực, ấn phẩm Main Streets Across the World (Những đường phố đắt đỏ nhất thế giới) của Cushman & Wakefield công bố vào cuối năm 2019 (thời điểm Covid chưa bùng phát) cho thấy: Giá mặt bằng ở TPHCM (Việt Nam) còn cao hơn Bangkok (Thái Lan) và Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - UAE).

Trong danh sách này, TPHCM có mặt bằng đắt đỏ thứ 30 toàn cầu với giá thuê mặt bằng là 184 USD/ft2/năm (xấp xỉ 1.980 USD/m2/năm). Trong khi đó thủ đô Bangkok xếp thứ 35 ở mức 142 USD/ft2/năm, và thành phố Dubai đắt đỏ UAE xếp thứ 39, với giá thuê mặt bằng ở mức 95 USD/ft2/năm.

Vì đâu The Coffee House đóng cửa mô hình Signature – niềm tự hào một thuở của Founder kiêm cựu CEO Nguyễn Hải Ninh? - Ảnh 6.
 
Vì đâu The Coffee House đóng cửa mô hình Signature – niềm tự hào một thuở của Founder kiêm cựu CEO Nguyễn Hải Ninh? - Ảnh 7.

Top 68 thành phố có giá mặt bằng đắt đỏ nhất thế giới năm 2019. Nguồn: Cushman & Wakefield.

Với câu chuyện mặt bằng, còn nhớ thời điểm Soya Garden nhảy vào Ngã 6 Phù Đổng thế chân Phúc Long, giá thuê mặt bằng này đã bị đẩy lên từ 14.000 USD/tháng lên tới 25.000 USD/tháng. Từng chấp nhận hy sinh yếu tố tài chính để đổi lại giá trị thương hiệu khi đặt điểm bán "mặt đối mặt" với Starbucks, Soya Garden sau đó đã phải đóng cửa quán biểu tượng, rút chân toàn bộ khỏi thị trường TPHCM.

4 yếu tố chiến lược doanh nghiệp F&B cần lưu ý để phục hồi sau dịch

- Lựa chọn địa điểm kỹ càng, không cần tập trung nhiều cửa hàng tại một khu vực trung tâm mà nên xây dựng mạng lưới cửa hàng dàn trải trên diện rộng trên nhiều quận, thành phố, địa phương để tối đa hóa sự tiếp cận đến càng nhiều khách hàng nội địa càng tốt, vừa cung cấp sự tiện lợi ăn uống ngay tại khu vực khách hàng ở, vừa bao phủ diện rộng cho mạng lưới vận chuyển và bán hàng mang đi (delivery) của hãng.

- Thu gọn lại diện tích không gian quán chỉ vừa đủ hợp lý để tránh lãng phí không gian và chi phí như trước đây các nhà hàng/ café hay chú trọng vào hình thức trải nghiệm không gian tại quán, làm ảnh hưởng tiềm năng lợi nhuận. Quản lý các chi phí thuê mặt bằng chỉ tối đa 10-16% doanh thu để duy trì hiệu quả cửa hàng.

- Tinh gọn bộ máy và chi phí hoạt động của quán bao gồm giảm số lượng nhân viên làm việc tại cửa hàng với chương trình huấn luyện đa nhiệm cho mỗi nhân viên để sử dụng nguồn lực nhân sự hiệu quả hơn.

- Tập trung nguồn lực và phần tài chính tiết kiệm được đó để đầu tư và nuôi dưỡng hệ thống phân phối và kênh giao nhận hiệu quả, chăm chút vào các thông điệp marketing online, chăm sóc giá trị tinh thần và trải nghiệm của khách hàng tại nhà đối với sản phẩm của mình.

 Bình An

Theo: Doanh nghiệp và Tiếp th


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật