5 cơ hội cho DN công nghệ Việt: Nơi nơi tìm sản phẩm "cứu cánh" trong Covid-19 và làn sóng "đại bàng" rời Trung Quốc sang Đông Nam Á
Hiện nay xu hướng đó đã dịch chuyển sang các lĩnh vực CNTT, công nghệ cao; Thiết bị điện tử, phụ kiện; Logistics, thương mại điện tử…, theo Vietnam Report.
73,7% doanh nghiệp trong ngành đánh giá thị trường ICT (công nghệ, thông tin và truyền thông) sẽ duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2020, trong khi có 10,5% doanh nghiệp lạc quan ngành CNTT sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report.
Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ trong khảo sát thực hiện tháng 6/2020, các doanh nghiệp công nghệ đang đối mặt với 5 cơ hội trong giai đoạn "bình thường mới".
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đang "thích ứng" với giai đoạn "bình thường mới"
Cũng như các nước khác trên thế giới đang tái khởi động nền kinh tế, Việt Nam bước vào thời kỳ "bình thường mới" với tâm thế lạc quan khi đã thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid-19. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được đánh giá an toàn, tăng trưởng bền vững, tạo động lực cho các doanh nghiệp CNTT-VT Việt Nam có cơ hội quảng bá, tiếp thị sản phẩm, đưa thương hiệu "Make in Vietnam" đến thị trường toàn cầu, tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ đến từ nước ngoài. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 dao động trong khoảng 2,1 - 2,6%.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, có tới khoảng 63,2% doanh nghiệp công nghệ tin tưởng việc kinh tế Việt Nam thích ứng trong giai đoạn bình thường mới là cơ hội lớn để phát triển trong tương lai.
Thứ hai, làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn công nghệ lớn từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á
Căng thẳng chiến tranh thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng trong khu vực ASEAN. Từ khi dịch Covid-19 diễn ra, các nhà đầu tư nước ngoài thay vì chủ yếu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, bất động sản, bán buôn, bán lẻ… thì nay xu hướng đó đã dịch chuyển sang các lĩnh vực CNTT, công nghệ cao; Thiết bị điện tử, phụ kiện; Logistics, thương mại điện tử…
58,9% doanh nghiệp công nghệ được khảo sát nhận định sự dịch chuyển của các nhà sản xuất toàn cầu là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tích cực nâng cao sản xuất, cải tiến và nghiên cứu sản phẩm.
Thứ ba, cú hích Covid-19 đẩy nhanh công tác chuyển đổi số trên cả nước
Đại dịch Covid-19 diễn ra, các sản phẩm CNTT-VT trở thành một trong những phương thức cứu cánh quan trọng hàng đầu trong công tác truy vết các ca bệnh, khắc phục những hạn chế trong thời gian giãn cách xã hội bằng những phần mềm học trực tuyến, thanh toán online... Các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề đều tăng cường áp dụng những mô hình mới dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số để tối ưu hoá vận hành cho doanh nghiệp, từ đó gia tăng năng suất, giảm chi phí. Ngân hàng nhà nước đã trình lên Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Hơn nữa, hành vi người tiêu dùng đang dần thay đổi theo hướng chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt tạo "cơ hội vàng" cho lĩnh vực kinh doanh trực tuyến nở rộ, trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Thứ tư, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EVFTA
Cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử giữa Việt Nam và EU sẽ làm tăng các dự án hạ tầng phục vụ cho sự phát triển thương mại điện tử, giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU và ngược lại. Bên cạnh đó, đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, Việt Nam cho phép đối tác EU được lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau một thời gian quá độ. Việc mở cửa cho thị trường viễn thông đối với doanh nghiệp EU sẽ giúp các doanh nghiệp CNTT-VT Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Thứ năm, thử nghiệm mạng 5G thành công, thị trường viễn thông "nóng" trở lại
Thị trường viễn thông sẽ chứng kiến những cuộc đua của các nhà mạng trong việc nghiên cứu và triển khai các sản phẩm, dịch vụ 5G để chứng minh trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt khi dịch vụ 5G được thương mại hóa vào cuối năm 2020. Sự xuất hiện của các smart home, smart city kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ di động của người tiêu dùng Việt ngày càng tăng mạnh, điều này đã tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất cung cấp thiết bị, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ viễn thông trong và ngoài nước có cơ hội hợp tác, hoàn thiện hóa hệ thống tự động, nâng cao áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…
Ngoài ra, xu hướng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, bất động sản cũng đang chuyển mình sang các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, ngành CNTT-VT Việt Nam vẫn được đánh giá là ngành công nghiệp non trẻ. Theo khảo sát của Vietnam Report, các khó khăn thách thức mà các doanh nghiệp CNTT-VT Việt Nam đang phải đối mặt là: Điều kiện nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn nhiều hạn chế, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường tiêu thụ rối loạn do chưa ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu...
TIN CŨ HƠN
- CBRE: Số lượng thương hiệu quốc tế vào TP.HCM thấp nhất trong 4 năm qua vì COVID-19
- Chuỗi bán lẻ MUJI của Nhật Bản sắp mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam
- Ông chủ trang thương mại điện tử giá rẻ vượt Jack Ma thành người giàu thứ 2 Trung Quốc
- Lần đầu tiên trái chuối Việt được bán ở siêu thị Hàn Quốc
- Mua sắm trực tuyến tăng- Cần tạo động lực cho người dùng
- Sau khi giành nhau giấy vệ sinh, giờ đây dân Mỹ đổ xô mua... xe đạp!
- Nhiều chuỗi bán lẻ lớn của Mỹ đóng cửa do làn sóng biểu tình bạo lực
- Doanh nghiệp bán lẻ phá sản hàng loạt nhưng công ty này lại ăn nên làm ra nhờ dịch bệnh
- Các hãng FMCG đang chạy đua để thích nghi với sự thay đổi của khách hàng sau dịch Covid-19 như thế nào?
- Ứng dụng giao đồ ăn 'phất như diều gặp gió' nhờ Covid-19: Vốn hóa thị trường lần đầu vượt 100 tỷ USD, tài sản của CEO tăng gấp đôi sau vài tháng