Mua sắm trực tuyến tăng- Cần tạo động lực cho người dùng
09:17 - 15/06/2020
Theo khảo sát mới công bố của Criteo S.A, các giao dịch bán hàng trực tuyến của người tiêu dùng khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Đông Nam Á (ĐNA) đã tăng trưởng rõ rệt.
Thế hệ GenZ và Millenials chiếm hơn nửa nhu cầu
Tại Việt Nam, mảng bán lẻ trực tuyến vẫn phát triển mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, doanh số bán lẻ trực tuyến ở ĐNA đang có sự gia tăng cao hơn trong năm nay so với năm 2019, với mức tăng doanh số cao nhất trong tuần 3 tháng 5 đạt 106%.
Ông Steven Nguyễn- Giám đốc cấp cao khu vực ĐNA chia sẻ, dữ liệu của Criteo về xu hướng chung của thương mại điện tử trong khu vực ĐNA cho thấy: Việc mua sắm các thiết bị điện tử tiêu dùng như máy tính xách tay và linh kiện máy tính tăng.Quần áo mặc ở nhà thuộc một trong số các loại trang phục bán chạy hàng đầu.Thực phẩm và đồ uống vẫn phát triển mạnh như mì ống và mì ăn liền, gia vị và đồ nướng. Các mặt hàng về chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp hàng ngày vẫn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi đó, doanh số bán máy sinh trắc học đã tăng vọt và phát triển mạnh mẽ.
Đặc biệt, thế hệ GenZ (được sinh từ năm 1996 trở đi) và thệ hệ Millenials là thế hệ sinh khoảng từ năm 1980 đến 1998, là những người có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều nhất, tương ứng với 54% và 58%. Trong số các danh mục sản phẩm, hàng tạp phẩm và sản phẩm gia dụng là những mặt hàng được mua sắm hàng đầu, mặc dù 4 trong số 10 người mua sắm lên kế hoạch cho việc chi tiêu đều đặn cho tất cả các danh mục sản phẩm khác.
Tại Việt Nam, 76% số người được hỏi cho biết họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn so với thông thường, trong khi chỉ có 15% số người được hỏi cho biết họ sẽ mua sắm với tần suất tương đương, và 9% trả lời là họ ít mua sắm trực tuyến hơn. 62% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cũng cho biết họ mua hàng tạp phẩm và đồ dùng vệ sinh cá nhân qua giao dịch trực tuyến nhiều hơn.
Quảng cáo cho trạng thái bình thường mới
“Khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang thương mại điện tử để mua sắm nhu yếu phẩm và các sản phẩm khác, các nhà bán lẻ phải tận dụng giá trị tài sản thương hiệu tại cửa hàng làm đòn bẩy và cho thấy khả năng cung cấp các dịch vụ trực tuyến theo nhiều cách khác nhau để thu hút sự tương tác vfa phải thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng trực tuyến và ngoại tuyến”, ông Steven Nguyễn nói
Các cửa hàng trực tuyến hiện là đích đến của người tiêu dùng, vì thế các nhà bán lẻ cũng nên điều chỉnh trải nghiệm khách hàng thông qua các chiến dịch hấp dẫn hơn, không chỉ thu hút khách hàng trung thành mà còn những khách hàng mới.
Ông Steven Nguyễn cũng chia sẻ thêm rằng: “Các thương hiệu có thể nghĩ đến việc tạo ra các chương trình giúp khách hàng xây dựng mối quan hệ lâu dài với kênh hoặc ứng dụng mua sắm trực tuyến. Việc này bao gồm chạy các ứng dụng cung cấp các sản phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao và các tính năng khác của app, hoặc các chương trình tri ân khách hàng thân thiết và tạo nhiều ưu đãi cho khách hàng tham gia nhiều nhất.
“ Hãy nghĩ rằng quảng cáo của bạn như một công cụ tạo động lực cho người tiêu dùng, bởi họ sẽ thích nghi với lối sống mới và hướng đến sự tương quan với các sản phẩm phù hợp với lối sống này – một lối sống đòi hỏi sự quan tâm về vấn đề sức khỏe không chỉ đối với người tiêu dùng cá nhân, mà còn với những người khác”, ông lưu ý.