CEO Nguyễn Thị Phương Thảo: Vietjet đóng góp 70% vào tăng trưởng ngành hàng không
"Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 của chúng ta đạt trên 7% tạo nền tảng để Việt Nam tiếp tục sự trỗi dậy thần kì, là cơ hội lớn để đầu tư vào nguồn công nghệ, con người, giải quyết những thách thức, duy trì tốc độ tăng trưởng", bà Thảo mở đầu phần phát biểu.
Với khu vực kinh tế tư nhân, nhắc lại lời nói của một lãnh đạo World Bank, bà Thảo cho biết Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng nhờ vào lĩnh vực kinh tế tư nhân và người dân.
"Nếu được phát huy đúng và hiệu quả thì thành công sẽ được tiếp nối thành công và kéo theo đó là sự tăng trưởng thịnh vượng của đất nước", bà nói.
Việt Nam trong thời gian qua đã chứng kiến sự đóng góp của những đầu tàu kinh tế tư nhân, đây cũng là khu vực tích cực, năng động trong một quốc gia khởi nghiệp. Theo đó, tinh thần đổi mới sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp cơ hội và xu hướng tích cực trong giai đoạn đầy biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới.
Số liệu ghi nhận mỗi năm khu vực này tạo ra hơn 1,2 triệu việc làm. Hiện nền kinh tế có hơn 750.000 doanh nghiệp tư nhân, đóng góp tới 43% GDP. Trong lĩnh vực dịch vụ, cung cấp tới 85% GDP.
"Và Chính phủ đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, trong sạch, một Chính phủ hành động với những động thái cởi trói về thể chế, kinh tế để kinh tế tư nhân phát triển hành động", CEO Vietjet nhấn mạnh.
Nói về ngành mang lại rất nhiều thành công cho bản thân, bà Thảo cho biết hàng không có khả năng phản ánh sức sống của nền kinh tế. Bởi cứ 1% tăng trưởng của hàng không thì đồng hành kéo theo 0,5% tăng trưởng GDP.
Không giấu diếm tự hào, bà Thảo nói rằng hàng không tư nhân Vietjet đã đóng góp tới 70% kết quả tăng trưởng chung của cả ngành.
"Và chúng tôi cũng cho rằng những gì đã làm trong 6 năm qua bằng cả ngành hàng không Việt Nam đã phát triển trong 63 năm qua", nữ tỷ phú đô la tự thân của Việt Nam nói.
Theo bà, trong năm 2018, Vietjet Air đã đóng góp tăng trưởng hơn 23 triệu lượt khách trong tổng số 49 triệu lượt khách của ngành hàng không, thực hiện 118.923 chuyến bay an toàn với 39 đường bay nội địa, 66 đường bay quốc tế tới Nhật, Hàn, Thái, Singapore, Camuchia… Thu hút khách trong các chuyến bay quốc tế được đánh giá cao. Tổng doanh thu đạt 52.000 tỷ đồng.
Hãng hàng không tư nhân này thuộc nhóm nộp thuế lớn nhất cả nước với số tiền thuế và phí lên 6.192 tỷ đồng, tương đương đóng góp ngân sách 1 tỉnh trung bình của Việt Nam.
Bên cạnh đó, bà Thảo cũng nhấn mạnh việc Vietjet Air đã mang đến cơ hội bay cho hàng triệu người và là nhân tố thúc đẩy đổi mới tích cực cho ngành hàng không trong nước về nhiều mặt.
Từ ví dụ của bản thân, bà Thảo cho biết để thực sự thúc đẩy, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, từ Chính phủ đến các cấp ngành cần phải tập trung thực hiện một số hành động.
Thứ nhất là đẩy nhanh hơn tốc độ tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN và ngân hàng để tránh ảnh hưởng đến tài chính vĩ mô và giảm triển vọng tăng trưởng quốc gia, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân.
Thứ hai, theo bà Phương Thảo, nếu đã khẳng định những gì khu vực tư nhân làm tốt, tạo điều kiện để khu vực tư nhân làm thì Chính phủ cần phải có biện pháp, chính sách khai thác tốt để khu vực tư nhân phát huy bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay… tận dụng tốt cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất trên toàn xã hội.
"Là doanh nghiệp năm nay vận hành hơn 80 tàu bay nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng sân bay, dịch vụ cung ứng khác như nhà ga, sân bay chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào cái hệ thống gần như độc quyền của nhà nước từ nhiều năm nay. Chúng tôi nói đùa là tư nhân chúng tôi không tấc đất cắm dùi tại các sân bay mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực đầu tư khẩn trương, chất lượng, hiệu quả và không dùng một đồng vốn ngân sách", bà nói.
Thứ ba, bà bày tỏ mong được ứng xử bình đẳng công bằng hướng tới xây dựng những tập đoàn tư nhân đầu tàu trong chuỗi công nghiệp phụ trợ và niềm tin cho doanh nhân khởi nghiệp, mang thương hiệu quốc gia như thương hiệu của các nước khác như Samsung, Toyota, Alibaba…
Thứ tư, bà cho biết trong thế giới hôi nhập, mở cửa, Việt Nam cần có những quy định mở cửa cho cán bộ cũng như chuyên gia nước ngoài làm việc cho đất nước.
Bởi bà Thảo nhận xét các quy định làm việc cho người nước ngoài ở Việt Nam đã cũ, không còn phù hợp với hiện đại. "Tôi mong rằng có cơ chế tháo gỡ để phù hợp hơn với lao động quốc tế", bà nói.
TIN CŨ HƠN
- Alibaba tham vọng làm Nhà cung cấp công nghệ cho doanh nghiệp toàn cầu
- Chỉ 3 năm nữa thôi, chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến không khoan nhượng giữa Amazon và Alibaba tại thị trường Việt Nam?
- Nagakawa và sự khẳng định đầy tự tin khi ra nhập thị trường gia dụng Việt
- Từ chuyện "Hộp Cao sao vàng 2.000 đồng bán trên Amazon 7 USD, chiếc nón lá rao bán giá gấp 10 lần", DN Việt sẽ hưởng lợi lớn khi Amazon hợp tác với Việt Nam?
- Bộ Công thương hợp tác Amazon, doanh nghiệp Việt đón 'cuộc chơi lớn'
- Doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận 300 triệu khách hàng trên Amazon
- Nikkei: Từ xe máy đến điện thoại, hàng “Made in Vietnam” phát triển nhờ trợ lực từ doanh nghiệp ngoại
- Hàng Việt sẽ bớt long đong
- Kế hoạch ‘đi lùi’ cho năm 2019
- Đại gia Singapore muốn mua khối cổ phiếu gần 2.200 tỷ của Vinamilk