Chuyên gia góp ý về thời gian giãn thuế cho DN: Chưa kịp hồi sức, lại phải cấp cứu
Giới chuyên gia nhận định, Nghị định 41/2020 của Chính phủ cho phép DN chậm nộp thuế TNDN và tiền thuê đất 5 tháng đã được ban hành kịp thời, song rất khó có hiệu quả thực tiễn. Lí do là bởi với khoảng thời gian quá ngắn này, đa số DN thậm chí còn chưa kịp xốc lại hoạt động để có nguồn thu, trong khi vừa cạn hết vốn vì đại dịch.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu không thể "miễn giảm" thì cần "giãn hoãn" khoản thuế này cho DN từ 2-3 năm mới hợp lí. Trong trường hợp điều kiện không cho phép thì thời gian giãn này tối thiểu cũng phải là 1 năm, may ra DN kịp hồi sức.
Doanh nghiệp như người qua cơn nguy kịch đã phải lết dậy đi… nộp thuế
Câu ví von của một chuyên gia tài chính trong một bàn tròn về tháo gỡ khó khăn cho DN hậu Covid-19 mới đây, nghe hơi chua chát, nhưng lại rất thực thế.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn chưa từng có cho cộng đồng doanh nghiệp Việt. Thống kê chỉ ra gần 85% doanh nghiệp đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm; gần 60% doanh nghiệp bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh; 45% doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phải thu hẹp lực lượng lao động.
Có tới 92% số doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2020 của họ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó có 20% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu trên 50%.
Đại dịch Covid-19 cũng đã thổi bay lợi nhuận hàng ngàn tỉ của các doanh nghiệp lớn. Trong ngành xăng dầu, Petrolimex ghi nhận khoản lỗ 1.900 tỉ đồng trong quý I/2020. Tương tự, PV Oil lỗ 537 tỉ đồng, Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ 2.347 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành hàng không ghi nhận khoản lỗ hơn 2.611 tỉ đồng của Vietnam Airlines, Vietjet Air cũng lần đầu tiên báo lỗ lớn trong lịch sử hoạt động là 990 tỉ đồng…
VCCI cho hay, rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại nếu dịch bệnh vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc duy trì sản xuất, kinh doanh do đứt gãy nguồn cung ứng, thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa.
Một trong những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được ban hành kịp thời là Nghị định 41/2020/NĐ-CP, trong đó cho phép các doanh nghiệp thuộc đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được chậm nộp tiền thuế TNDN, tiền thuê đất. Tuy nhiên, về mặt thời hạn, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đều cho rằng không có tính thực tế.
Cụ thể, Chính phủ chỉ đồng ý gia hạn 5 tháng tiền thuế phát sinh trong tháng 3, 4, 5 và 6/2020. Trong khi đó, các doanh nghiệp gần như đã kiệt quệ sau đại dịch và lệnh giãn cách xã hội cũng mới chỉ được gỡ bỏ cuối tháng 4. Dòng tiền hiện tại được ưu tiên số 1 vào việc xốc lại hoạt động kinh doanh, khôi phục sản xuất. Do đó, chắc chắn hầu hết doanh nghiệp khó lòng "xoay" được khoản nộp thuế chỉ trong khoảng thời gian "ngắn như cái chớp mắt".
Phân tích tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp hôm 9/5, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, thực trạng khiến việc giãn các thời hạn nộp thuế theo Nghị định 41 chưa có tác dụng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp vì khi ngừng hoạt động sẽ không phát sinh doanh thu, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân. Do đó, một trong những kiến nghị của VCCI tới Chính phủ là kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế lên 12 tháng.
Cứu doanh nghiệp là cứu nguồn thu của ngân sách
Đồng tình với việc gia hạn tiền thuế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, trong dịch, nhiều doanh nghiệp không có nguồn thu mà vẫn phải chi trả các khoản cố định nên đã bị thâm hụt dòng tiền. Trong khi đó, việc kéo dài thời gian gia hạn thuế không làm hao hụt ngân sách, doanh nghiệp lại được hỗ trợ.
"Gia hạn thuế, doanh nghiệp có dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sau dịch. Phải giúp doanh nghiệp sống sót qua năm 2020 mới có thể kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm 2021", vị chuyên gia kinh tế nói. TS Ánh cũng cho biết, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm 2020, nhưng vẫn đạt mức khoảng 7% trong 2021. Để làm được điều đó, cần hỗ trợ nhanh, đúng và đủ cho doanh nghiệp "khỏe" lại trước tiên.
Cùng quan điểm "cơm chưa ăn gạo còn đó", TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, Việt Nam tạm thời khống chế được dịch Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh còn rất rất lâu nữa mới có thể quay lại được bình thường, bởi chuỗi cung ứng đứt gãy, nguồn xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, Châu Âu… đang phải cách ly xã hội để ngăn chặn đại dịch này.
"Việc kéo dài thời gian gia hạn thuế là rất cần thiết, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp lúc khó khăn này", chuyên gia cao cấp Học viện Tài chính cho hay.
Trong khi đó, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả đưa ra quan điểm: Về nguyên tắc muốn có nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu đó. Nguồn thu ngân sách nhà nước phần lớn đến từ chính tiền thuế của doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tốt, có lợi nhuận sẽ tốt hơn là để doanh nghiệp thất thu, không có lợi nhuận, thậm chí là phá sản.
"Việc giãn, hoãn nộp thuế sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi sau thiệt hại chưa từng có từ trước đến nay. Thời gian cần để các doanh nghiệp phục hồi sẽ dài chứ không phải ngắn, như ngành du lịch và hàng không ít nhất từ 12-18 tháng. Nếu thời gian giãn thuế quá ngắn sẽ không đủ sức vực dậy doanh nghiệp", TS Long phân tích.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để giải quyết lo lắng việc gia hạn thuế quá dài sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ bội chi cuối năm, Chính phủ có thể phân loại các doanh nghiệp cần hỗ trợ gia hạn nộp thuế ngắn dài khác nhau tuỳ theo sự phục hồi của các ngành; hoặc tiết kiệm ngân sách bằng cách cắt giảm các hoạt động không cần thiết, hạn chế tối đa chi phí vì mục tiêu chung vực dậy nền kinh tế sau dịch.
Theo: Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Duy trì và mở rộng kinh doanh trong giai đoạn "bình thường mới": Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?
- TS Vũ Thành Tự Anh chỉ cách giúp hàng loạt chuỗi F&B lớn Golden Gate, The Coffee House, KFC... tiếp cận được gói tín dụng 600.000 tỷ của ngân hàng
- Online hay là chết - Lựa chọn khắc nghiệt mùa Covid: Doanh nghiệp của bạn chọn dẫn dắt làn sóng số hay để nó cuốn trôi?
- Bộ Công Thương chỉ ra những vấn đề về giá thịt lợn
- Nhân công, mặt bằng, lãi ngân hàng... đâu là gánh nặng lớn nhất của doanh nghiệp Việt thời COVID-19?
- Dịch Covid-19 đã khiến các nhà bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử ở Đông Nam Á thay đổi thế nào?
- Qua rồi thời quảng cáo bát nháo: Khách hàng sẽ tìm đến người bán hàng "có tâm". Những kẻ vô đạo đức dù "hót" hay cỡ nào cũng sẽ bị đào thải!
- Sai lầm cần tránh trong thiết kế cửa hàng bán lẻ
- Yếu thế hàng Việt
- Bao bì “kìm” đầu ra