Theo khảo sát, người tiêu dùng tại Việt Nam quan tâm vấn đề sức khỏe và thích sử dụng hàng nội địa nhiều hơn so với các nước khác trên thế giới.
So với mức trung bình toàn cầu, người tiêu dùng Việt Nam có sự ưu tiên hơn đối với các sản phẩm địa phương. Theo khảo sát của Nielsen mới công bố, có 17% người tiêu dùng cho biết chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa và 59% cho rằng đa phần mua hàng tiêu dùng nội địa (so với mức trung bình toàn cầu là 11% và 54%).
Người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam vì biết rõ nguồn gốc và mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Điều này mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương củng cố thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, các nhà cung cấp địa phương cũng cần cung cấp sản phẩm có giá trị tốt phù hợp với nhu cầu chung của người tiêu dùng và đảm bảo sự có mặt sản phẩm trên quầy kệ.
“Covid-19 đã để lại nhiều thay đổi trong thói quen và hành vi của người tiêu dùng cũng như tạo ra những xu hướng mới, từ việc chủ động mua sắm những sản phẩm an toàn sức khỏe cho đến việc trữ nguồn thức ăn thiết yếu tại nhà. Khi người tiêu dùng tìm kiếm sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm thì một thương hiệu quen thuộc, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín là cách nhanh nhất để chạm đến nhu cầu này. Sản phẩm có nguồn gốc địa phương vô cùng quan trọng ở Việt Nam và có lợi thế hơn so với các sản phẩm ít quen thuộc”, bà Louise Hawley - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết.
Cũng theo khảo sát của Nielsen, trong giai đoạn tháng 3 và 4 vừa qua, toàn bộ ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã sụt giảm đến 12%. Tình trạng này phần lớn đến từ kênh truyền thống, trong đó kênh mua và tiêu dùng sau giảm 9%, kênh tiêu dùng tại chỗ giảm đến 36%. Nguyên nhân là do thói quen của người tiêu dùng thay đổi. Dịch bệnh khiến mọi người có xu hướng chuyển sang tiêu dùng tại nhà thay vì ăn uống ở ngoài như trước đây. Mặc dù vậy, kênh hiện đại lại tăng trưởng kéo dài liên tục từ đầu năm đến nay, với mức tăng 23% trong giai đoạn này.
Hiện đã có sự khác biệt trong cách mua sắm, chọn kích cỡ hàng hóa, chọn lựa nơi mua và nơi lưu trữ nhưng những nhu cầu tiềm ẩn và cách sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng không thay đổi nhiều. Và tại Việt Nam, chỉ số niềm tin người tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao, top 4 trên thế giới, đạt 126 điểm. So với quý cuối năm 2019, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn ổn định với mức tăng 1 điểm, từ 125 lên 126. Do đó, đây cũng là một yếu tố kỳ vọng sự phục hồi nhanh chóng về sức mua trong thời gian tới.