Nhà máy thông minh là tương lai của mọi doanh nghiệp sản xuất
Công nghệ đã và đang là động lực đổi mới và tăng trưởng, thế nhưng ứng dụng như thế nào và bắt đầu từ đâu là một bài toán đầy thách thức.
Cùng trao đổi với ông Yoon Young Kim – Tổng GĐ Schneider Electric Việt Nam & Campuchia - về quan điểm chiến lược của Schneider Electric Việt Nam cũng như cách thức doanh nghiệp Việt có thể tận dụng chuyển đổi số đặc biệt tại các nhà máy sản xuất.
Xin chào ông, ông có những đánh giá và nhận định gì về bức tranh kinh tế Việt Nam trong thời điểm hiện tại?
Chào bạn, vào thời điểm bài phỏng vấn này được thực hiện, tôi khá lạc quan khi các chỉ số của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất đều ghi nhận những bước phục hồi và tăng trưởng. Mặc dù Việt Nam vừa phải trải qua làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19 vào tháng 8 cũng như hứng chịu thiệt hại kinh tế từ các thiên tai bão lũ, sản xuất công nghiệp và bán lẻ đều tăng hơn 6,5% (so với cùng kỳ năm trước), cao nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 2 năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (NSA) và doanh số bán lẻ hàng hóa (SA) lần lượt tăng 6,6% và 6,7%, so với cùng kỳ năm trước.
Về mặt dài hạn, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tích cực và ổn định, gần như là một trong những quốc gia hiếm hoi được dự đoán sẽ tăng trưởng dương trong năm 2020 và tăng tốc trong giai đoạn tiếp theo. Theo "Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020" của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15-9-2020, GDP Việt Nam dự kiến tăng 1,8% trong năm 2020 và tăng ở mức 6,3% trong năm 2021, trong khi GDP khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, và tăng 6,8% trong năm 2021.
Ông Yoon Young Kim – Tổng GĐ Schneider Electric Việt Nam & Campuchia.nhìn nhận tích cực về cơ hội phát triển của nền kinh tế Việt Nam
Lí giải cho sự phát triển "thần kỳ" này, theo tôi chính là nhờ Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện thuận lợi, "thiên thời, địa lợi và nhân hoà". Đầu tiên, môi trường đầu tư Việt Nam rất ổn định về chính trị, an ninh xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liền, thậm chí ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Thứ hai, mức độ sẵn sàng về cơ sở hạ tầng của quốc gia đã được cải thiện, đơn cử như việc các khu công nghiệp đang ngày càng mở rộng quy mô và gia tăng tỷ lệ lấp đầy. Sự phát triển này mang đến cho các nhà đầu tư nhiều lựa chọn phù hợp với chiến lược sản xuất vận hành của mình tại Việt Nam. Điều cuối cùng, lực lượng lao động trẻ và năng động của Việt Nam với khả năng học hỏi nhanh, được trau dồi kĩ năng và đầu tư đúng đã có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như nền công nghệ công nghiệp toàn cầu.
Một điểm sáng nữa mà tôi muốn đề cập đến chính là việc Hiệp định EVFTA vừa chính thức có hiệu lực. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có ý nghĩa chiến lược rất to lớn khi tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể gia nhập sân chơi lớn, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới, cải tổ để đón đầu những trạng thái bình thường tiếp theo.
Bên cạnh đó, điểm cuối cùng giúp tôi tin tưởng mạnh mẽ vào sự phát triển của Việt Nam chính là xu hướng dịch chuyển, tái sắp xếp các dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn từ nước láng giềng Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này đã chứng minh sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam như một điểm đến hứa hẹn cho các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia thúc đẩy sự phát triển của các nhà máy và hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Cơ hội và điều kiện thuận lợi là có thật, vậy doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì để nắm bắt và tạo ra bước đột phá? Đâu là kim chỉ nam cho doanh nghiệp Việt khi có nhiều biến số khó lường trong môi trường kinh doanh?
Theo tôi, điều cần thiết nhất cho mọi doanh nghiệp chính là tinh thần sáng tạo, đổi mới, dám thử nghiệm, thích ứng và chuyển đổi linh hoạt phù hợp với những yếu tố nội tại lẫn môi trường kinh doanh bên ngoài.
Đại dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh tính hiệu quả của mô hình quản trị - vận hành linh hoạt – Agile Company khi một doanh nghiệp kiểu mới, không phải là một cỗ máy mà là một thực thể với hệ "xương sống" mạnh mẽ, có thể đồng thời đạt được cả hai mục tiêu: ổn định và linh hoạt. Hệ xương sống này gắn kết sự ổn định về cấu trúc - là các quy trình vận hành doanh nghiệp - với sự vững chắc văn hóa – khi tất cả mọi thành viên cùng gắn bó vì một mục tiêu, định hướng, giá trị chung. Mặt khác, mô hình này cũng góp phần làm tăng tính linh hoạt cho doanh nghiệp, giúp tổ chức nhanh nhạy phản ứng với các thay đổi liên tục bằng cách đưa ra những thay đổi linh hoạt về chiến lược cũng như thành lập các nhóm phản ứng tức thời
Đi sâu hơn vào ngành công nghiệp sản xuất, những yếu tố thay đổi từ môi trường kinh doanh bên ngoài như đại dịch và EVFTA càng khẳng định tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi, tối ưu hóa hiệu suất vận hành cũng như tăng khả năng linh hoạt thông qua việc ứng dụng, chuyển đổi số sâu bên trong doanh nghiệp. Tại Schneider Electric, chúng tôi tập trung sâu hơn vào quá trình chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp – sản xuất và đưa ra 4 xu hướng nổi bật nhất: (1) Sự chuyển đổi qua công nghệ điều khiển/điều hành từ xa; (2) Khả năng phục hồi - ngành công nghiệp sản xuất cần tập trung vào tăng cường tính kết nối, khả năng dự đoán và ngăn ngừa rủi ro cho toàn bộ chuỗi cung ứng thông qua tự động hóa và phân tích dữ liệu; (3) Tăng tốc hiệu quả hoạt động bằng cách tích hợp việc quản lý năng lượng và tự động hóa; tích hợp theo chiều dọc từ điểm cuối đến điện toán đám mây; tích hợp quản lý vòng đời; (4) Tính bền vững là ưu tiên hàng đầu.
Với kinh nghiệm dày dặn của Schneider Electric, ông có thể phân tích những ưu thế của việc tích hợp công nghệ sâu hay chuyển đổi số vào quá trình vận hành - sản xuất là gì?
Chuyển đổi số gần như đã trở thành một trong những mục tiêu được ưu tiên của mọi doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Trong lĩnh vực sản xuất, vận hành nhà máy, khái niệm Smart Factory – Nhà máy thông minh đã không xa lạ. Thực tiễn cho thấy hình thức nhà máy thông minh đã phát triển một cách vũ bão, đặc biệt là ở các thị trường, ngành hàng có mức độ cạnh tranh cao. Trên thế giới đã xuất hiện khái niệm Dark Factory- nhà máy thông minh có khả năng sản xuất, vận hành tự động hoá hoàn toàn và hoạt động 24/7. Từ dark – tối ở đây ý chỉ không cần có sự xuất hiện của con người nhưng việc sản xuất vẫn diễn ra xuyên suốt, thông minh.
Dựa trên nền tảng IIoT, Schneider Electric đã phát triển kiến trúc EcoStruxure cho các nhà máy thông minh một cách toàn diện. Về mặt tổng thể, chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp:
Quản trị linh hoạt thông qua việc đưa ra các quyết định nhanh chóng, chính xác hơn để gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng.
Tối ưu vận hành khi đưa ra những phân tích dự đoán để cắt giảm thời gian gián đoạn và hoạt động hiệu quả hơn.
Trao quyền cho bộ phận vận hành một cách hữu hiệu nhờ khả năng truy cập vào các thông tin vận hành theo thời gian thực cùng các công nghệ đột phá để năng cao sự an toàn và tính năng suất trong quá trình điều hành, bảo trì.
Duy trì nguồn năng lượng xuyên suốt và thân thiện bằng cách giảm thiểu điện năng, chi phí và lượng carbon phát thải, đồng thời gia tăng khả năng kiểm soát và duy trì năng lượng liền mạch theo thời gian thực.
Bảo mật vận hành ở mọi cấp độ khi thiết kế, đào tạo và quản lí toàn diện về hệ thống bảo mật một cách toàn diện.
Hiện tại với các giải pháp vận hành thông minh hiện có, chúng tôi có thể giúp cho doanh nghiệp giảm năng lượng tiêu thụ 10-30%, tiết kiệm 30-50% chi phí duy trì, một con số ấn tượng và thuyết phục.
Kiến trúc EcoStruxure của Schneider Electric có thể mang đến giải pháp toàn diện cho các nhà máy thông minh
Hiện tại SE đã thành công xây dựng nhà máy thông minh nào và hiệu quả mang lại là gì?
Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công nhận các nhà máy và trung tâm phân phối thông minh (Smart Factories and Smart Distribution Centers) của Schneider Electric đang dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất thông minh. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã xây dựng rất nhiều nhà máy thông minh trên toàn cầu và đạt được những thành tựu ấn tượng bước đầu như tại Batam, Indonesia (giảm 44% thời gian gián đoạn sản xuất trong năm), Cavite, Philipines (tăng 14% năng suất và tiết kiệm 13% điện năng tiêu thụ)…
Bằng cách áp dụng công nghệ đột phá và sức mạnh của nền tảng Internet vạn vật công nghiệp (IIoT) để thúc đẩy tối ưu hóa quy trình, các nhà máy này đã mở ra một bước ngoặc mới trong ngành công nghiệp sản xuất về các giá trị, sức mạnh và tiềm năng vô hạn của nền tảng IIoT và sản xuất thông minh có thể mang lại.
Như ông đã chia sẻ, việc chuyển đổi, cải tiến đang là xu thế chung. Vậy ông có đánh giá nào về nhóm các doanh nghiệp sản xuất sẽ đi đầu và dẫn dắt nhu cầu?
Theo sự đánh giá và phân tích của tôi, nhóm doanh nghiệp thuộc các ngành thực phẩm và giải khát, dược phẩm, nước và nước thải sẽ là những doanh nghiệp đi đầu và thúc đẩy nhu cầu chung. Bởi đây là các doanh nghiệp phải đối diện với áp lực lớn, có mức độ cạnh tranh cao. Chỉ cần sở hữu một yếu tố thuận lợi, tiên tiến hơn đối thủ cũng có thể giúp doanh nghiệp rất nhiều, đặt bên cạnh mô hình nhà máy thông minh với ưu thế rõ ràng và được chứng minh thực tiễn, tôi tin trong tương lai gần các doanh nghiệp này sẽ lần lượt ứng dụng, chuyển đổi từng phần/ toàn phần để tạo nên sự đột phá trong vận hành, sản xuất.
Ngành thực phẩm và giải khát là một trong những nhóm doanh nghiệp sản xuất đi đầu và dẫn dắt nhu cầu thị trường
Nắm bắt được những nhu cầu và chuyển dịch này, Schneider Electric cũng đã thúc đẩy và triển khai các giải pháp nằm trong kiến trúc EcoStruxure cho nhà máy thông minh một cách mạnh mẽ. Trong đó, ưu tiên có lẽ sẽ nằm ở nhóm các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và giải pháp bởi lĩnh vực này có tốc độ cạnh tranh và thay đổi quyết liệt hơn các nhóm ngành khác.
Với kinh nghiệm của Schneider Electric, đâu là các nhu cầu bức thiết mà các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và giải khát (F&B) cần giải quyết nhanh chóng và giải pháp tối ưu?
Mỗi doanh nghiệp và nhóm ngành sẽ có những thách thức cần được ưu tiên giải quyết khác nhau. Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực F&B, chúng tôi nhận thấy những thách thức mà các chủ doanh nghiệp cần thực sự ưu tiên trong giai đoạn hiện tại là:
Phát triển bền vững và Hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua giảm lượng phát thải khí các-bon và nước bằng các quy trình được cải thiện, các công ty điện và hiệu quả sử dụng năng lượng của chuỗi cung ứng.
Chiến lược vận hành tối ưu (Vận hành xuất sắc) khi loại bỏ sự kém hiệu quả và giúp đội ngũ quản lý sự phức tạp ngày càng tăng trong quy trình đồng thời tăng cường liên kết giữa phát triển bền vững và hiệu quả chi phí.
Tối ưu chi phí thông qua việc giảm nhu cầu CAPEX (chi phí đầu tư) khi kéo dài tuổi thọ tài sản hiện hữu và giảm chi phí tổng thể bằng cách tổ chức hoạt động đơn giản hóa và giảm lãng phí năng lượng.
Thực hiện cam kết thương hiệu bằng cách đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của khách hàng về chất lượng và phát triển bền vững với các sản phẩm phù hợp.
Thông tin người tiêu dùng và an toàn thực phẩm khi ưu tiên bảo vệ giá trị của người tiêu dùng và cổ đông với ít rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm và sự minh bạch hơn của doanh nghiệp.
Trong thời điểm hiện tại, Schneider Electric đang cung cấp bộ giải pháp toàn diện cho các doanh nghiệp F&B bao gồm: Sản xuất thông minh, hạ tầng thông minh, an toàn thực phẩm thông minh, hệ thống phân phối thông minh.
Vậy còn nhóm doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực nước và nước thải thưa ông?
Các nhóm giải pháp hiện tại của Schneider Electric có thể hỗ trợ các doanh nghiệp quản lí thông minh một cách đột phá và toàn diện các hoạt động tại nhà máy xử lí nước thải, nhà máy xử lí nước, nhà máy khử muối, quản lí tài nguyên nước, mạng lưới nước và nước thải. Với kiến trúc EcoStruxure, các giá trị mà chúng tôi mang lại cho các doanh nghiệp nước và nước thải bao gồm: tiết kiệm năng lượng lên đến 30%, tối ưu hóa hiệu suất vận hành lên đến 25% và giảm tới 20% chi phí sở hữu và đầu tư.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!
Theo: Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được cấp bù lãi suất khi vay vốn
- Doanh nghiệp Việt nắm bắt thời cơ lớn đến từ thị trường tỷ đô của iPhone
- Doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung đang làm ăn ra sao?
- Điện Máy Xanh có thêm 74 cửa hàng chỉ trong 1 tháng, tốc độ mở rộng lớn nhất từ trước đến nay
- Lazada tuyên bố đạt doanh thu 100 triệu USD sau 1 giờ đầu ngày Lễ độc thân
- Nielsen Việt Nam: Bách hóa Xanh dẫn dắt tăng trưởng số cửa hàng trong phân khúc Minimart
- VinCommerce mục tiêu tăng gấp 4 lần quy mô hệ thống, tập trung tại chuỗi VinMart+ với gần 10.000 điểm bán đến năm 2025
- Tập đoàn SCG Việt Nam đạt 848 triệu USD doanh thu sau 9 tháng, tổng tài sản tăng mạnh 59% với đóng góp chính từ tổ hợp hoá dầu miền Nam
- COVID-19 - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt thúc đẩy bán hàng trên Amazon
- Vincommerce đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD trong 9 tháng, VinMart+ vẫn tăng trưởng cao dù đóng 421 cửa hàng