Thừa Thiên Huế “trải thảm đỏ” mời các nhân tài khắp Việt Nam về lập nghiệp, tham vọng trở thành đầu tàu khởi nghiệp của cả nước
Trong lễ tổng kết 5 năm hoạt động vừa qua, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) đã có khá nhiều lời khen ngợi đến tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặc dù chỉ mới chính thức hợp tác chiến lược được hơn 1 năm, nhưng tỉnh này đi cũng khá nhanh, gần như đã bắt kịp ‘tiền bối’ Đồng Tháp.
Tuy nhiên, với người Huế hay lãnh đạo của tỉnh này, ví dụ như Phó Chủ tịch Phan Thiên Định – ông vẫn chưa hài lòng với những thành tựu mà Thừa Thiên Huế đang có trong lĩnh vực khởi nghiệp. Hơn nữa, bản thân ông vẫn cảm thấy có lỗi vì chưa cống hiến hết mình cho công việc khởi nghiệp tại Huế.
"Năm vừa qua, Huế đã có những nhiều chuyển biến trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp. Trước đây, khi mảng khởi nghiệp còn trực thuộc Sở kế hoạch đầu tư, chúng tôi cũng tập trung làm.
Tuy nhiên, tính lan toả và chuyên nghiệp, đâu đó vẫn còn thiếu. Chúng tôi cũng tìm cách kết nối các chuyên gia, nhưng nó vẫn rời rạc. Các chuyên gia rất nhiệt tình, nhưng làm sao để xây dựng được 1 hệ thống để nhận diện và giải quyết các vấn đề cho các startup, thì khá khó khăn; cho đến khi SVF vào", ông Phan Thiên Định hồi tưởng.
Nhưng, kể cả sau khi đã đồng hành cùng SVF, Thừa Thiên Huế vẫn gặp những “chệch choạc” nhất định.
Về phía Nhà nước, đầu tiên, theo vị Phó Chủ tịch này, tỉnh vẫn chưa theo kịp bước chân của SVF. Trong khi SVF rất nỗ lực hỗ trợ Huế xây dựng hệ sinh thái, thì tỉnh lại khá ôm đồm, bung theo quá nhiều hướng khiến kết quả thu lại không như mong muốn của cả hai. Năm 2020 cũng là lúc mà Huế cần gói lại các vấn đề và xác định một hướng đi chung rõ ràng hơn cho hệ sinh thái khởi nghiệp của mình.
Thứ hai, muốn các hoạt động khởi nghiệp ở địa phương có thể phát triển được, các thành tố trong hệ sinh thái, đặc biệt là những nhân viên ở các cơ quan Nhà nước cần phải luôn máu lửa với khởi nghiệp. Bằng cách nào đó, những người làm khởi nghiệp của tỉnh phải giữ được sự máu lửa và truyền điều đó cho nhiều người khác.
"Trong 1 năm qua, nói về góc độ cá nhân, tôi cảm thấy xấu hổ với anh Hiếu (Phó Chủ tịch SVF) ở chỗ: với sự hỗ trợ của SVF như vậy, mà hệ sinh thái khởi nghiệp ở Huế vẫn chưa đẩy lên ở mức cao hơn. Và với trách nhiệm là Phó Chủ tịch theo dõi mảng này, tôi đã nghĩ: câu chuyện này là anh em ở bên dưới và các Sở ban ngành tổ chức có thể làm được. Sau này, tôi nghiệm ra, thật ra, trong giai đoạn này, vai trò của từng cá nhân, đặc biệt là những người lãnh đạo là vô cùng quan trọng.
Có thể, mình phải bỏ qua các thứ bậc và quan hệ hành chính, để thực sự vào cuộc với một tình yêu, tình cảm và trách nhiệm cùng khởi nghiệp, với tư cách cá nhân chứ không phải nhiệm vụ chính trị nữa, thì mới có thể giúp được cho cộng đồng", ông Phan Thiên Định thú nhận.
Ông Phan Thiên Định đang trao quà lưu niệm cho SVF - là sản phẩm nón làm từ lá sen của một startup ở Huế.
Về các bạn khởi nghiệp: giới khởi nghiệp ở Huế vẫn còn yếu, mặc dù ai cũng đánh giá là tỉnh có rất nhiều tiềm năng – dư địa để phát triển. Quả thật, tại Huế, năng lực của các bạn tham gia khởi nghiệp vẫn còn yếu.
Năm vừa rồi, tỉnh đã cố gắng tạo ra các kết nối trong hệ sinh thái tại Huế, ví dụ như giữa các nhà đầu tư và các bạn khởi nghiệp. Sự kiện diễn ra rất hoành tráng, nhà đầu tư rất nỗ lực, nhưng đến lúc gặp các bạn khởi nghiệp, chính các bạn lại là người gạt lui lại hoặc không đủ tầm dư duy đồng hành cùng nhà đầu tư hoặc không hiểu được vấn đề để cùng kết nối với các nhà đầu tư. Thậm chí, nhiều bạn còn sợ bị mất doanh nghiệp vào tay nhà đầu tư.
"Như đánh giá của SVF, Thừa Thiên Huế đã vượt qua giai đoạn I – ươm tạo và đang bước vào giai đoạn II – nâng cao năng lực của hệ sinh thái. Riêng với cá nhân tôi, tôi đánh giá rằng, Huế khác các địa phương khác ở chỗ, việc nâng cao năng lực – tư duy để kinh doanh khởi nghiệp ở Huế sẽ khó hơn", ông Phan Thiên Định nhận định.
Trước đây, ông đã chia sẻ trong nhiều sự kiện khởi nghiệp là: từ trước đến nay, người Huế không dạy con cái kinh doanh. Câu cửa miệng của người Huế khi nghe con cái muốn ‘làm ăn’: "Ở Huế mà làm ăn chi con!". Tức là, người Huế không khuyến khích con cái làm ăn kinh doanh. Với người Huế, làm công chức như y bác sỹ gì cũng được, nhưng nghe kinh doanh người ta không ủng hộ. Văn hóa này đã tác động khá tiêu cực trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Huế!
Do đó, một trong những giải pháp của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ở Huế lớn nhanh hơn, trong khi chờ đợi những hạt mầm mọc chậm do văn hóa, là chiêu mộ nhân tài từ nơi khác.
"Khởi nghiệp ở Huế không chỉ dành cho người Huế mà cho tất cả các bạn trẻ ở nơi khác. Cách đây 1 hôm, tôi cũng vừa ăn cơm với anh Nguyễn Thành Nam ở FPT và với các bạn trước đây là nòng cốt của FPT. Tôi cũng đã chia sẻ rằng, hiện dòng chuyển dịch vốn của các nhà đầu tư ở các nơi khác vào Huế đang khá nhiều. Cũng như, công nghệ thông tin đang là mảng phát triển kinh tế chủ lực của Thừa Thiên Huế ở hiện tại và trong tương lai.
Chúng tôi kỳ vọng, đây có thể là những thế hệ doanh nhân/doanh nghiệp có thể khởi tạo ra sự chuyển biến - chuyển động trong năng lực kinh doanh – khởi nghiệp ở Huế. Năm tới, thu hút nhân tài từ nơi khác cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi", ông Phan Thiên Định cho biết.
Năm ngoái, ông chia rẻ rằng, ông cùng các đồng sự trong Uỷ ban tỉnh đã hứa với các bên liên quan, Thừa Thiên Huế sẽ cố gắng theo chân Đồng Tháp trong các hoạt động khởi nghiệp. Năm này, Thừa Thiên Huế tiếp tục hứa với các bên liên quan một lần nữa, sẽ cố gắng thay đổi các hoạt động trong mảng khởi nghiệp, để hệ sinh thái khởi nghiệp ở Huế có thể tạo ra 1 sự thay đổi tích cực hơn.
Năm tới, Thừa Thiên Huế cũng sẽ gói gọn lại những hướng đi bản thân và mong nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa từ SVF cũng như các quỹ khởi nghiệp khác. Còn cái gì, mà tỉnh có thể tự xử lý hoặc dựa được vào các nguồn lực khác, họ sẽ tự làm.
TIN CŨ HƠN
- Những 'kỳ lân' sẽ IPO năm 2020
- Cô gái Đan Mạch bỏ việc ở công ty danh tiếng McKinsey để startup, thành bà chủ kinh doanh đồ ăn thừa cho 18 triệu thực khách
- Startup Việt vào top mô hình giáo dục toàn cầu tiêu biểu
- Bỏ việc văn phòng làm 12 giờ/ngày, chàng trai chi 200 USD và dành 1,5 giờ/tuần, thu về 1 triệu USD nhờ bán hàng online trong 92 ngày
- Hậu Shark Tank: Startup vận chuyển được Shark Vương rót vốn ngày nào tăng trưởng thần tốc, CEO 2 năm liên tiếp lọt top doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc
- 2019 - Năm ấn tượng của startup Việt: TMĐT và Fintech thăng hoa, deal gọi vốn “khủng” nhất lên tới 300 triệu USD
- Khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp - con đường sáng cho startup công nghệ
- Startup Việt tính chuyện ra nước ngoài gọi vốn
- Startup ứng dụng công nghệ in 3D sản xuất chi giả cho người khuyết tật, gọi vốn được hơn 22 triệu USD, quy mô thị trường lên tới gần 3 tỷ USD
- Mặc lùm xùm, màn đầu tư của Shark Liên với startup dạy nhảy Zumba vẫn “thuận buồm xuôi gió”, công ty tăng trưởng đến 130%/tháng