Từ hình ảnh Quang Hải, Tiến Dũng 'ngộ nghĩnh' trên Tik Tok đến chiến lược thu hút người dùng của mạng xã hội video này tại Việt Nam
Những cái tên được hâm mộ sau giải U23 châu Á. Điều này thể hiện sự nhanh nhạy của nền tảng này trong việc bắt kịp xu hướng của mỗi quốc gia.
Tik Tok là nền tảng chia sẻ video dạng ngắn đến từ Trung Quốc, cho phép giúp mọi người tạo video 15 giây và thể hiện cá tính bằng cách khiêu vũ, nhảy tự do, trình diễn, hát nhép… Sau 2 năm ra đời, trong năm 2018, ứng dụng này nổi lên đầy hứa hẹn khi chạm mốc 500 triệu người dùng trên toàn thế giới và được định giá 75 tỷ USD, cao hơn cả Uber.
Trong hành trình trở thành ứng dụng được định giá cao nhất của mình, dĩ nhiên, Tik Tok đã "lan" sang cả Việt Nam. Trên thực tế, sau 1 năm đặt chân đến nước ta, Việt Nam đã trở thành quốc gia có lượng xem Tik Tok đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trung bình, mỗi người Việt dành 28 phút mỗi ngày trên Tik Tok, theo thống kê của hãng.
Tik Tok tại Việt Nam: 'Lôi kéo' các ngôi sao, cầu thủ U23 và cả những nhà sáng tạo nội dung 'vô danh'
Năm 2018, khi có mặt tại Việt Nam, Tik Tok đã mời nhiều người nổi tiếng tham gia nền tảng của mình.
Trong bảng xếp hạng top 10 tên tuổi nổi tiếng được theo dõi nhiều nhất Tik Tok Việt Nam năm 2018, bên cạnh những ngôi sao giải trí như Trấn Thành, Khởi My hay Sơn Tùng MTP, còn có 2 cái tên từ đội tuyển U23 là Quang Hải và thủ môn Bùi Tiến Dũng - những cái tên được hâm mộ sau giải U23 châu Á. Điều này thể hiện sự nhanh nhạy của nền tảng này trong việc bắt kịp xu hướng của mỗi quốc gia.
Không chỉ có Tiến Dũng và Quang Hải, có vẻ như Tik Tok đã mời cả dàn cầu thủ U23 tham gia ứng dụng. Ảnh: Kenh14.vn
Ngoài ra, Tik Tok giúp những người dùng bình thường có thể trở thành nhà sáng tạo nội dung, từ đó có cơ hội có lượng theo dõi khủng và trở thành "ngôi sao" trên nền tảng này.
Về mặt này, Tik Tok khá tương tự Youtube - hệ sinh thái có nhà sáng tạo nội dung, người xem và các thương hiệu, nơi mỗi channel (kênh) có thể thu hút nhiều lượt subscribe (đăng ký).
Tuy nhiên, riêng với Tik Tok, đặc tính "ngắn" (mỗi video chỉ kéo dài 15 giây) và "dễ dàng tạo video' dễ 'cám dỗ' người tạo nội dung hơn. Bởi chỉ tốn 15 giây và một chút ý tưởng là đã có một video đẹp lung linh. Tik Tok cung cấp tính năng tự động làm đẹp, bộ lọc, các sticker và đạo cụ 3D... - các công cụ để việc thực hiện và chia sẻ video dễ dàng và nhanh nhất có thể.
"Công nghệ tốt đến nỗi mọi người không gặp trục trặc khi load video," bà Diệp Quế Anh phụ trách truyền thông Tik Tok Việt Nam nói thêm.
Bậc thầy của xu hướng
Đầu tiên, đó là sự lên ngôi của các nền tảng chia sẻ video, nhất là video có thời lượng ngắn.
"Cách mọi người tiêu thụ nội dung trở nên khác rồi, đặc biệt, bây giờ phải là ngắn gọn, nhanh".
"Cách mọi người tiêu thụ nội dung trở nên khác rồi, đặc biệt, bây giờ phải là ngắn gọn, nhanh. Đó là điều tạo nên sự khác biệt của Tik Tok", bà Diệp Quế Anh khẳng định.
Ngoài ra, tệp người dùng trẻ, gen Z với sự nhạy bén về công nghệ và những trào lưu mới là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của Tik Tok tại Việt Nam.
"Đối tượng trẻ tiếp cận công nghệ cực kỳ nhanh," đại diện hãng này nói. Tại Việt Nam, năm qua giới trẻ không những nhắc đến hot girl Facebook, Instagram... mà còn xuất hiện cụm từ "hot girl Tik Tok". Những bạn trẻ gen Z hăng hái thể hiện mình, chia sẻ về bản thân là lý do lớn cho sự lan rộng của Tik Tok thời kỳ đầu.
Bên cạnh đó, để nhanh chóng thu hút người dùng, chiến lược của Tik Tok 'bám' vào các xu hướng trong phát triển nội dung video.
"Trên Tik Tok, mọi thứ đều chạy bằng hashtag. Việc sử dụng hashtag tạo điều kiện cho việc chia sẻ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Bản thân hashtag tạo điều kiện để mọi người theo xu hướng dễ hơn", bà Quế Anh cho hay.
Hãng rất tích cực "lăng xê" các xu hướng mới, thậm chí tự tạo ra các xu hướng và khuyến khích người dùng tạo nội dung theo xu hướng đó. Điển hình như trong cơn sốt AFF Suzuki Cup vừa qua, hãng tạo hashtag #niềmvuichiến thắng, khuyến khích các nhà tạo nội dung chia sẻ video ủng hộ đội tuyển Việt Nam. Kết quả là có 120.000 video được tạo ra với 54,8 triệu lượt xem trong vòng 2 tuần.
Nói về sự phổ biến tại Việt Nam, hãng từ chối tiết lộ về con số người dùng hay lượt truy cập. Tuy nhiên, theo công bố của Tik Tok, trung bình mỗi ngày mỗi người Việt dành 28 phút cho mạng xã hội video này. Hãng còn tiết lộ, sau 1 năm đặt chân đến Việt Nam, Việt Nam đã trở thành quốc gia có lượng xem Tik Tok đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, tham vọng của Tik Tok trong thời gian tới tại Việt Nam là đa dạng hóa nội dung video, "Làm sao tạo điều kiện để cho tất cả mọi người, ai yêu thích nội dung, yêu thích sáng tạo có một nơi chia sẻ sự sáng tạo của họ", theo bà Quế Anh. Có nghĩa là không chỉ hấp dẫn các bạn trẻ, hãng còn tham vọng sẽ thu hút những nhà tạo nội dung thuộc mọi độ tuổi.
Là một "ngôi sao đang lên" đón đầu xu hướng mạng xã hội video, tuy nhiên, trong hành trình mở rộng của mình, thách thức của Tik Tok sẽ là các vấn đề mà các nền tảng chia sẻ nội dung khác như Facebook hay Youtube phải "đau đầu", như bảo mật thông tin người dùng hay kiểm soát các nội dung tiêu cực. Theo Tuổi Trẻ, vào tháng 5/2018, tại Hồng Kông, cuộc điều tra của Post Investigation đã phát hiện hàng trăm trẻ em Hồng Kông từ 9 tuổi đã bị lộ danh tính của mình trên Tik Tok.
Tik Tok là phiên bản quốc tế của ứng dụng điện thoại Douyin của công ty ByteDance, Trung Quốc, ra đời vào tháng 9/2016. Sau 2 năm phát triển, ngày 17/7/2018, Tik tok tuyên bố chạm mốc 500 triệu người dùng và hiện tại được định giá 75 tỷ USD, cao hơn cả Uber. Tik Tok là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên iPhone trên phạm vi toàn thế giới quý I năm 2018 - tổng cộng 45,8 triệu lượt và vượt qua Facebook, YouTube và Instagram.
Tik Tok đã có mặt tại 150 thị trường trên thế giới. Tại Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, các quốc gia khác sự có mặt của Tik Tok là Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Philippines.
Nhìn lại năm 2018 của Tik Tok tại Việt Nam
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Thêm đại gia Nhật sắp gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam
- Cool Japan Festival 2018 đưa văn hóa tiêu dùng Nhật đến với người Việt
- Keefe: Từ cửa hàng nhỏ thành nhà cung ứng độc quyền cho hệ thống nhà tù Mỹ, kiếm lợi nhuận triệu đô bằng cách “móc túi” người thân và bạn bè của tù nhân
- Hơn 270 siêu thị Israel sắp bỏ thu ngân nhờ công nghệ mới
- Chưa có lãi, “Amazon Hàn Quốc” vẫn được rót vốn 2 tỷ USD
- Walmart vượt qua Apple để trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ ba tại Mỹ
- Bộ Công thương mời 22 doanh nghiệp Trung Quốc mua gạo Việt Nam
- Cách bán hàng online cho người không có Internet ở Indonesia
- Macy's: Biểu tượng của sự sống sót giữa đống tro tàn
- Câu chuyện Walmart tại Nhật Bản: Khi đế chế tỉ đô "ngã sấp mặt" đến mức phải tháo chạy