Uniqlo mở cửa hàng lớn nhất ĐNÁ tại Manila, quyết đấu Zara và H&M
Hãng bán lẻ thuộc tập đoàn Fast Retailing đã mở một cửa hàng flagship tại Philippines trong bối cảnh Uniqlo đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á. Đây là thị trường mà Uniqlo có nhiều cơ hội cạnh tranh và thậm chí là "vượt mặt" nhiều đối thủ lớn như H&M và Zara.
Chủ tịch Fast Retailing - ông Tadashi Yanai là một trong số những người tham dự lễ khai trương cửa hàng rộng 4.100 m2 tại quận Makati của Manila. Ngoài việc là cửa hang Uniqlo lớn nhất Đông Nam Á, đây còn là cửa hàng lớn thứ sáu trong số hơn 2.000 cửa hang của hãng với khoảng 260.000 mặt hàng các loại.
Sáng ngày khai trương, khoảng 600 người đã tới xếp hàng tham gia, trong đó có một người đàn ông 35 tuổi – có lẽ là một "fan cuồng" của Uniqlo đến từ 1h sáng để giữ chỗ sớm. Một sinh viên đại học cho biết: "Các sản phẩm đều có giá phù hợp và thoải mái. Khi so sánh các nhãn hiệu khác nhau, tôi luôn chọn Uniqlo".
Một số mặt hàng như quần và áo sơ mi có giá 18 USD (Khoảng 420.000 đồng), hơi đắt hơn so với các sản phẩm của đối thủ trên thị trường nhưng người tiêu dùng vẫn cảm thấy đây là một mức giá phải chăng.
Fast Retailing đã mở cửa hàng đầu tiên tại Philippines vào năm 2012 thông qua một chi nhánh bán lẻ của tập đoàn SM Investments địa phương. Trung bình, Uniqlo đã mở một cửa hàng mỗi tháng trong năm ngoái và cửa hàng flagship tại Manila là cửa hàng thứ 53 của hãng tại quốc gia này.
Kể từ khi mở rộng sang Singapore vào năm 2009, Fast Retailing đã nhanh chóng tiến vào Thái Lan, Indonesia và nhiều thị trường Đông Nam Á khác. Tính đến hết tháng 1/2018, Uniqlo đã có nhiều hơn đáng kể số cửa hàng tại Phlippines so với Zara (20 cửa hàng) và đến hết tháng 8/2018, H&M cũng chưa bắt kịp được Uniqlo với 34 cửa hàng.
Trong cả khu vực, với 187 cửa hàng thì Uniqlo cũng tạm dẫn đầu so với hai đối thủ của mình (sở hữu 100 và 150 cửa hàng). Fast Retailing đang có kế hoạch tăng gấp đôi số cửa hàng lên 400 từ giờ cho đến năm 2020.
Nhà bán lẻ quần áo lớn thứ ba thế giới này tin rằng Đông Nam Á có thể là thị trường tăng trưởng lớn tiếp theo của mình sau Trung Quốc.
Chủ tịch Yanai cho biết: "Châu Á là một động lực tăng trưởng lớn trong mảng kinh doanh ở nước ngoài, đây được coi là một nền tảng khá vững chắc của chúng tôi cả về sản xuất và bán hàng. Chúng tôi đang tiến hành mục tiêu lý tưởng là tăng số lượng cửa hàng tại Đông Nam Á lên 100 cửa hàng mỗi năm.
Đông Nam Á có dân số khoảng 600 triệu người và rất nhiều trong số đó đang trở thành tầng lớp trung lưu do sự phát triển của nền kinh tế cũng như việc thay đổi thị hiếu từ những sản phẩm giá rẻ sang sản phẩm có thiết kế và chất lượng phù hợp hơn với túi tiền.
Theo công ty nghiên cứu Euromonitor International của Anh, thị trường quần áo của khu vực này là 33 tỷ USD vào năm 2017, gần gấp đôi so với thập kỷ trước.
Một cửa hàng Zara ở Bangkok. Inditex, chủ sở hữu của thương hiệu này đang tập trung mở thêm nhiều cửa hàng tại các thành phố lớn của Đông Nam Á.
Tại thị trường Tây Ban Nha và Thụy Điển, Uniqlo vẫn đang tiếp tục theo sát hai đối thủ. Tuy nhiên, Uniqlo dường như đã thắng thế ở thị trường Đông Nam Á khi nắm giữ 2,1% thị phần so với 1,4% thị phần của H&M và 1,2% của Zara.
Đối mặt với việc cạnh tranh ngày một gia tăng từ các nhà bán lẻ trực tuyến, H&M đã buộc phải đóng cửa các cửa hàng không mang lại lợi nhuận ở châu Âu do doanh số bán hàng giảm sút. Số lượng cửa hàng của hãng đã giảm ở một số nước như Đức và Hà Lan. Mặc dù vậy, họ đang tích cực mở cửa hàng ở Đông Nam Á. Năm ngoái, họ đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Đến năm 2019, Uniqlo cũng sẽ tham gia vào thị trường tiềm năng tại đây. Dù có cùng một mức giá, thiết kế của Uniqlo được coi là đơn giản và dễ mặc hơn so với H&M.
Về phần mình, Zara cũng tập trung mở cửa hàng tại các thành phố lớn của Đông Nam Á. Nhiều người cho rằng, nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới này đang tránh một trận chiến trực diện với Fast Retailing và H&M, một phần do sản phẩm của họ có mức giá nhỉnh hơn một chút. Bên cạnh đó, Inditex - tập đoàn sở hữu Zara đang tập trung vào một số nhãn hiệu khác như Pull&Bear và Bershka – những nhãn hiệu đã gặt hái không ít thành công ở thị trường châu Âu, Malaysia và Thái Lan.
Inditex cũng đang tích cực tăng doanh số bán hàng trực tuyến và kết hợp với các cửa hàng bằng cách cho phép khách hàng mua và nhận sản phẩm qua đặt hàng trên website. Tập đoàn cũng bắt đầu áp dụng dịch vụ này tại Philippines và Indonesia – điều mà Uniqlo chưa thực hiện.
Satoshi Hatase - Phó chủ tịch cấp cao của Uniqlo cho biết thị trường bán lẻ quần áo Đông Nam Á dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 4% mỗi năm và họ vẫn chưa ở giai đoạn phải cạnh tranh gay gắt tại trị trường này.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, thách thức chung cho ba nhà bán lẻ này chính là vấn đề đảm bảo an toàn trong chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa bởi họ đang mở rộng mạng lưới cửa hàng tại nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, xây dựng mạng lưới phân phối hiệu quả sẽ là một vấn đề đáng lưu tâm ở các quốc đảo như Philippines và Indonesia.
Theo: Trí Thức Trẻ/Nikkei
TIN CŨ HƠN
- Cuộc chiến rác thải nhựa: cơ hội quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp xanh
- Tăng tốc dẫn đầu, The Pizza Company thay đổi hoàn toàn diện mạo mới và ồ ạt khai trương liên tiếp 10 nhà hàng
- Thành công vang dội với chuỗi Aeon Mall, nhưng các thương vụ hợp tác của Aeon với Trung Nguyên, Fivimart đều thất bại
- Thương hiệu Vàng Bạc Đá quý Phú Quý mở cửa hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh
- Đi sau nhưng GrabFood đang vượt mặt cả Now lẫn Vietnammm: Tốc độ giao đồ ăn chỉ trong vòng 25 phút, nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
- Sau khi tiến hành thu hộ COD, Grab bắt tay với sàn TMĐT, đánh trực diện vào "miếng bánh giao hàng" của Giao hàng Nhanh, Ahamove, Lalamove
- Nếu là chủ doanh nghiệp, bạn không nên bỏ qua bài này: Xây dựng thương hiệu với nhân viên hay với khách hàng?
- Cận cảnh cửa hiệu bán lẻ truyền thống Amazon vừa mở ở New York
- Xu hướng giao hàng hỏa tốc của các sàn Thương mại điện tử
- Tăng trưởng giảm tốc, "vua sữa đậu nành" Vinasoy đổi chiến lược đón đầu thói quen "lười ăn sáng" của người Việt, đặt mục tiêu tham vọng 1 tỷ USD