Bán lẻ sẽ “không bơi” nếu không bị “ném xuống nước”

Bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử đang cùng lúc chịu sức ép của dòng vốn ngoại.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Trong cuộc cạnh tranh đó có thể có doanh nghiệp trong nước không chịu được sức ép, bị văng ra khỏi “cuộc chơi”, do đó buộc các nhà bán lẻ phải đổi mới, sáng tạo để tồn tại và phát triển”.

* Vốn ngoại tiếp tục tăng mạnh trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Theo ông, điều này bắt nguồn từ những yếu tố nào?

  • Các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đổ tiền vào mảng bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt là bán lẻ qua hình thức thương mại điện tử. Họ nhìn thấy tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân, phần đông là người trẻ và xu hướng tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam. Thêm nữa, thói quen tiêu dùng của người dân, đặc biệt là giới trẻ, đang thay đổi khi Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng Intenet ở mức cao nhất khu vực Đông Nam Á và tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong hai năm 2018-2019 khoảng 200% - một mức rất cao.

* Nhưng điều đó cũng cho thấy bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử đang cùng lúc chịu sức ép của dòng vốn ngoại?

  • FDI vào Việt Nam cũng có những mặt trái. Doanh nghiệp FDI đã tạo sức ép lớn lên các nhà bán lẻ trong nước. Các nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn, có kỹ năng kinh doanh, quản trị hiện đại, công nghệ hiện đại, năng suất và hiệu quả cao hơn, khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước gặp khó khăn trong cạnh tranh.

Thêm nữa, các nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào bán lẻ tại Việt Nam thường có những điều kiện ưu đãi riêng cho các sản phẩm đến từ chính quốc, do đó cũng gây khó cho việc tiêu thụ hàng hóa Việt Nam trong hệ thống thương mại của họ. Vấn đề này còn tạo ra sức ép cho sản xuất hàng hóa của nước ta.

Dù vậy, cũng có những lợi ích đến từ chính sức ép lên kinh doanh và sản xuất. Trước các sức ép, các nhà bán lẻ trong nước buộc phải đổi mới, sáng tạo để cạnh tranh, phải đầu tư quản trị hiện đại, công nghệ cao và các phương thức bán lẻ hiện đại. Đó là một điểm tốt, bán lẻ trong nước sẽ “không thể bơi” nếu không bị “ném xuống nước”. Hệ thống sản xuất và các nhà kinh doanh buộc phải nâng cao chất lượng và phẩm cấp hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Muốn vậy, không cách nào khác, họ phải liên doanh, liên kết với chính các nhà bán lẻ để từ đó xây dựng mối quan hệ bền vững.

Một điều nữa, doanh nghiệp cũng phải tính toán để xây dựng các chuỗi sản xuất - kinh doanh bền chặt hơn. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài ban đầu có thể đầu tư rất lớn, có thể giành được thị phần, giành được lượng khách hàng nhất định nhưng khó lòng giành được “trái tim” của người bản xứ. Nếu các nhà bán lẻ trong nước có cách thức kinh doanh, hình thức quảng bá và chế độ hậu mãi phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người bản địa thì vẫn có thể thành công.

Chúng ta có thể học kinh nghiệm của Hàn Quốc. Khi dòng vốn ngoại đổ vào bán lẻ, nhiều người Hàn lo lắng về sự lấn át, thậm chí bị thâu tóm. Thực tế lại chứng minh điều ngược lại, tuyên bố phá sản chủ yếu đến từ các nhà bán lẻ nước ngoài, không phải các nhà bán lẻ Hàn Quốc. Họ đã chiến thắng bằng chính lợi thế tĩnh, quảng bá tính năng sản phẩm một cách rõ ràng bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ, một cách đi vào trái tim của người tiêu dùng hiệu quả hơn bất cứ phương thức nào khác.

Theo ông thì Nhà nước nên điều tiết chính sách như thế nào để vừa không vi phạm các cam kết quốc tế, lại vừa bảo vệ và thúc đẩy bán lẻ trong nước phát triển?

  • Điều quan trọng nhất là cần tạo ra được những cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, trong đó chú ý đến vai trò của nhà bán lẻ, nhà sản xuất trong nước. Nhà nước vẫn có thể hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ, nhà sản xuất thông qua hình thức hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết, giảm tiền thuế đất đai, giảm các chi phí hành chính. Cách hỗ trợ ấy không vi phạm các cam kết quốc tế. Tôi nghĩ rằng, bằng những phương thức phù hợp, nước ta vẫn phát triển hệ thống bán lẻ nội địa.

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật