Doanh số ngành hàng FMCG trên các kênh trực tuyến tăng 20% toàn cầu trong năm 2018

Những thương hiệu chuyên bán online đang thu hút nhiều lượng người mua mới trong khi các nhà bán lẻ truyền thống ngày càng chật vật.

Theo số liệu mới nhất của Kantar, doanh số bán hàng trực tuyến của hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tăng 20.3% trên toàn cầu trong năm 2018 và hiện chiếm 5.1% doanh số bán hàng tạp hóa trên toàn thế giới. Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy sự tăng trưởng này khi cả hai quốc gia chiếm đến 84% mức tăng trưởng của thương mại điện tử, nhờ sự thành công của AmazonAlibabaJD.com và Walmart.

Mức tăng trưởng Giá trị của ngành hàng FMCG năm 2018.

Ở Châu Á, một lượng lớn giao dịch trực tuyến được thực hiện thông qua điện thoại thông minh, các quốc gia vẫn sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường mua hàng trực tuyến của nhóm ngành FMCG. Hơn 19% tổng doanh số ngành hàng FMCG tại Hàn Quốc chủ yếu đến từ trực tuyến và chiếm tỷ lệ cao nhất thế giới.

Trung Quốc đứng thứ hai với 14%, tuy nhiên, dựa trên mức tăng trưởng hiện tại, dự kiến nước này sẽ vượt lên vị trí dẫn đầu của Hàn Quốc vào năm 2025. Doanh số bán hàng trực tuyến ngành hàng FMCG của Đài Loan là 8.2% và Nhật Bản đạt mức 7.7%.

Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có thị trường FMCG trực tuyến phát triển nhanh nhất trên toàn cầu.

Ở Tây Âu(1), 4.1% hàng tạp hoá được bán thông qua thương mại điện tử, trong đó dẫn đầu là Anh Quốc với 7.2% và Pháp với 5.6%. Tuy nhiên, số lượng người mua sắm ở cả hai quốc gia này đang có xu hướng bão hoà, khiến việc tăng trưởng chậm hơn so với năm ngoái. Ngược lại, doanh số bán hàng thương mại điện tử tại Hà Lan tăng trưởng gần 35%, nơi các start-up như Picnic đã đóng góp 4.5% vào tổng doanh số bán hàng FMCG trực tuyến.

Ở Đông Âu(2), bán hàng FMCG trực tuyến phát triển chậm hơn, chỉ chiếm 1.9% doanh số năm 2018. Cộng hoà Séc và Nga là hai quốc gia có doanh số cao hơn các nước trong khu vực, tương ứng là 3.3% và 2.2%.

Tương tự, mua hàng FMCG trực tuyến chỉ mới bắt đầu phát triển ở Mỹ La tinh. Mặc dù là quốc gia dẫn đầu, nhưng Argentina chỉ có 0.6% doanh số bán hàng thông qua thương mại điện tử và con số này vẫn dậm chân tại chỗ trong năm ngoái. Mối lo lắng về tính bảo mật và giới hạn về phương thức thanh toán vẫn là những rào cản khiến người tiêu dùng địa phương khó có thể mua sắm trên các website.

Thị phần ngành thương mại điện tử 2017 - 2018.

Các thương hiệu chuyên bán hàng online đang thúc đẩy tăng trưởng

Trên toàn cầu, những thương hiệu chuyên bán hàng online như Amazon, Alibaba và JD.com đang chiến thắng trong thị trường thương mại điện tử và tiếp tục thu hút thêm lượng người mua sắm mới. Những thương hiệu này hiện chiếm 72% thị phần bán hàng trực tuyến. Năm 2018 các thương hiệu này đạt mức tăng trưởng khổng lồ, cụ thể là 29%.

Đối mặt với cuộc cạnh tranh này, các nhà bán lẻ khác trên cả kênh truyền thống lẫn thương mại điện tử chỉ có mức tăng trưởng vỏn vẹn 3%. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng giảm thời gian giao hàng hoặc giao hàng miễn phí sẽ giúp các nhà bán lẻ đa kênh thu hẹp khoảng cách này.

Những thương hiệu lớn chuyên giao dịch online đang thống trị trên cả hai bề mặt trái đất: Amazon hiện chiếm 53% tổng doanh số bán hàng trực tuyến FMCG tại Mỹ. Mặc dù chưa đạt mức tăng trưởng như ở châu Âu, Amazon đã đạt thị phần FMCG trực tuyến với 8.8% ở Đức, 5% ở Pháp, 3.2% ở Tây Ban Nha và 1% ở Anh.

 

Thị phần FMCG trực tuyến: Thương hiệu chuyên bán online và Nhà bán lẻ truyền thống.

Ông Eric Batty - Giám đốc Phát triển kinh doanh thương mại điện tử toàn cầu tại Worldpanel Division, Kantar, nhận xét: “Trong khi các nhà bán lẻ đa kênh ở châu Âu có xu hướng tập trung vào thực phẩm và đồ uống truyền thống, Amazon lại nghiêng về phía chăm sóc cá nhân nhiều hơn. Ví dụ, ở Pháp, Amazon là công ty hàng đầu về chăm sóc cá nhân trong lĩnh vực thực phẩm; với lĩnh vực thức uống, họ chỉ đứng thứ bảy. Trong khi các nhà bán lẻ truyền thống đã tìm thấy thành công nhất định thông qua hình thức “đặt online, lấy offline” (mua online trước sau đó đến cửa hàng nhận hàng) như E.Leclerc – chuỗi siêu thị đa kênh này lớn gấp 20 lần so với Amazon trong mảng bán thực phẩm trực tuyến."

Trực tuyến sẽ là kênh bán hàng lớn nhất ở châu Á vào năm 2025

Kantar dự đoán rằng online sẽ chiếm gần 1/3 tổng doanh số FMCG tại Trung Quốc vào năm 2025 và 1/4 tại Hàn Quốc. Tại Anh và Pháp con số dự kiến tương ứng là 9% và 8%.

Stéphane Roger – Giám đốc Hành vi mua hàng và bán lẻ toàn cầu tại Worldpanel Division, Kantar nhận xét: “Trong năm 2025, thương mại điện tử sẽ chiếm 10% chi tiêu FMCG trên toàn cầu và gấp đôi giá trị hiện tại. Tích hợp giữa trực tuyến và bán hàng truyền thống, công nghệ thông minh và các hình thức marketing trực tiếp sẽ giúp thu hút lượng người mua sắm trực tuyến mới, khi mà tỷ lệ thâm nhập hiện tại chỉ chiếm 21%.”

Dự đoán thị phần bán hàng trực tuyến của FMCG trong năm 2025.

Những phát hiện này dựa trên các dữ liệu của Kantar, GfK và Intage trong vòng 12 tháng năm 2018. Nghiên cứu này đã theo dõi sát sao và liên tục thông tin về hành vi mua sắm của 428.000 hộ gia đình trên 46 quốc gia khác nhau.

* Sản phẩm tươi không được xếp vào nhóm ngành FMCG trực tuyến.

 (1) Tây Âu bao gồm Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.

(2) Đông Âu bao gồm Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Nga và Slovakia.

Hoàng Hiền / Brands Vietnam

Theo nguồn: Kantar Worldpanel


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật