Nielsen: Tin vui cho hàng Việt, 76% người tiêu dùng chuộng hàng nội địa
Người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam vì biết rõ nguồn gốc và mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Đây là một trong những mong muốn mới nổi lên ở các quốc gia trong mô hình Phục hồi theo nghiên cứu về "Các viễn cảnh cuộc sống Hậu Covid-19" của Nielsen. Điều này mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương củng cố thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, các nhà cung cấp địa phương cũng cần cung cấp sản phẩm có giá trị tốt phù hợp với nhu cầu chung của người tiêu dùng và đảm bảo sự có mặt sản phẩm trên quầy kệ.
Sức khỏe trở thành mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam trong 4 quý liên tiếp. Trong quý 1 năm 2020, gần một nửa người tiêu dùng Việt (49%, tăng 4% so với quý 4 năm 2019) xếp hạng sức khỏe là mối quan tâm số 1.
Vì vậy, người tiêu dùng đang tìm đến sản phẩm được sản xuất với tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao nhất, đồng thời có chứa chất dinh dưỡng bổ trợ như Vitamin C, Vitamin D, Omega 3 hoặc lợi khuẩn.
"Đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều thay đổi trong thói quen và hành vi của người tiêu dùng cũng như tạo ra những xu hướng mới, từ việc chủ động mua sắm những sản phẩm an toàn cho sức khỏe cho đến việc trữ nguồn thức ăn thiết yếu tại nhà. Khi người tiêu dùng tìm kiếm sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm thì một thương hiệu quen thuộc, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín là cách nhanh nhất để chạm đến nhu cầu này. Chúng tôi biết rằng sản phẩm có nguồn gốc địa phương vô cùng quan trọng ở Việt Nam và có lợi thế hơn so với các sản phẩm ít quen thuộc", bà Louise Hawley, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, cho biết.
Bán lẻ sụt giảm trong đợt dịch nhưng sức mua sẽ sớm phục hồi
Trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4 vừa qua, toàn bộ ngành hàng FMCG đã chứng kiến sự sụt giảm 12%. Sự sụt giảm này phần lớn đến từ kênh truyền thống, trong đó kênh mua và tiêu dùng sau chứng kiến sự sụt giảm 9%, trong khi đó kênh tiêu dùng tại chỗ còn sụt giảm mạnh hơn nữa với 36%.
Điều này cũng rất dễ hiểu và lý giải được là do thói quen của người tiêu dùng thay đổi - chuyển sang tiêu dùng tại nhà thay vì ăn uống ở ngoài như trước đây. Riêng kênh hiện đại chứng kiến xu hướng ngược lại với sự tăng trưởng kéo dài liên tục từ đầu năm đến nay, với mức tăng 23% trong giai đoạn này.
Đại diện Nielsen cho biết, không thể phủ nhận rằng sẽ có những thay đổi rất lớn tiếp diễn trong một số lĩnh vực nhất định do hậu quả của cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, trong lĩnh vực FMCG, chúng tôi biết rằng mặc dù người tiêu dùng có thể trì hoãn những chuyến du lịch hay những vé xem phim, họ vẫn tiếp tục cần những sản phẩm như giấy vệ sinh hay thức uống có ga.
Ngành tiêu dùng nhanh đại diện cho những hành vi thường thấy của người tiêu dùng. Trong khi có sự khác biệt trong cách người tiêu dùng mua sắm, kích cỡ hàng hóa, nơi họ mua và nơi họ lưu trữ, thì những nhu cầu tiềm ẩn và cách sử dụng sản phẩm nhìn chung không thay đổi nhiều.
Trong quá khứ, các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như SARS ở Trung Quốc, thảm họa Fukushima ở Nhật Bản và gần đây - dịch MERS ở Hàn Quốc, tất cả đều tạo ra mô hình tương tự trong doanh số bán lẻ.
"Chúng ta có thể thấy doanh số bán lẻ thường bị hạn chế trong khoảng thời gian nhiều biến đổi của các cuộc khủng hoảng, sau đó thị trường có xu hướng quay trở lại kinh doanh như trạng thái bình thường và thậm chí có thể tăng trưởng tốt hơn", đại diện Nielsen nói.
"Tại Việt Nam, chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong quý 1 năm 2020 vẫn duy trì ở mức cao, top 4 trên thế giới, đạt 126 điểm. So với quý cuối năm 2019, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn ổn định với mức tăng 1 điểm, từ 125 lên 126. Do đó, đây cũng là một yếu tố kỳ vọng sự phục hồi nhanh chóng của sức mua NTD", ông Nguyễn Tiến Dzũng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam, nhận định.
TIN CŨ HƠN
- Người tiêu dùng Việt ưa chuộng hàng nội địa
- Thị trường cà phê trung và thấp cấp TP. HCM sẽ khốc liệt đến mức nào sau khi 3 ‘đại bàng’ Vinamilk, Nestle và Nutifood xuống núi?
- Tương lai ngành bán lẻ sau sự sàng lọc của COVID-19
- Người Việt sắp được mua hàng giảm giá 100%, kéo dài suốt 1 tháng
- Nhà bán lẻ thắng lớn sau đại dịch?
- Thị trường bán lẻ vào giai đoạn tái cấu trúc
- Hà Nội kích cầu tiêu dùng sau dịch COVID-19
- Những mặt hàng được chuộng trong 6 tháng tới
- Cảnh báo sức mua sắm, tiêu dùng của xã hội giảm quá mức
- Chung tay kích cầu tiêu dùng sau dịch