IKEA vào Việt Nam: Người tiêu dùng vỗ tay ăn mừng, các doanh nghiệp đối thủ thận trọng, thị trường nội thất trong nước liệu có chao đảo?
Dù đây không phải lần đầu tiên tin tức về hãng nội thất lớn nhất thế giới đến Việt Nam rộ lên, thậm chí các bước tiến hành ở thời điểm hiện tại mới chỉ là "tích cực đàm phán" nhưng một bộ phận người dùng cho biết họ sẵn sàng trở thành khách quen ngay khi IKEA chính thức mở cửa hàng tại Việt Nam.
"Trước giờ mua đồ gia dụng là chỉ trung thành IKEA, mà toàn phải order chờ lâu. Hy vọng Sài Gòn cũng sớm có cửa hàng", Facebooker Thúy Phạm cho biết.
IKEA, mảnh ghép trong một bức tranh còn nhiều khoảng trống
Ước tính trong trong năm 2018, tổng giá trị tiêu dùng nội thất của thị trường Việt Nam đạt khoảng 4 tỉ USD. Với nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ bình quân hơn 21 USD/người/năm, thị trường nội thất Việt Nam là miếng bánh hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp cả nội lẫn ngoại.
Tuy nhiên đa phần các chuỗi nội thất có tên tuổi trên thị trường hiện nay như Nhà Xinh, Phố Xinh, Nhà Đẹp, Index Living Mall, BoConcept…đều nhắm đến phân khúc cao cấp. Trong khi đó, ở phân khúc bình dân đầy tiềm năng, đa phần người dùng không thể kể tên một thương hiệu nào khác ngoại trừ JSYSK, thương hiệu nội thất đến từ Đan Mạch và Uma, chuỗi siêu thị nội thất và trang trí thành lập tại Việt Nam bởi ông chủ người Thuỵ Điển.
Tính đến nay, JYSK mới có 8 chuỗi cửa hàng tại Hà Nội, 5 cửa hàng tại TPHCM. Uma cũng có số lượng tương đương với 8 cửa hàng Hà Nội và 9 ở TPHCM. Với số lượng chuỗi còn khá khiêm tốn này, phân khúc nội thất tầm trung vẫn còn nhiều khoảng trống để một thương hiệu mới nhu IKEA gây dựng chỗ đứng.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng lên, thị trường nội thất từ cao xuống thấp lại chỉ có một vài cái tên như đã nói trên, tất yếu dẫn đến sự xuất hiện tràn lan của các doanh nghiệp nội thất, thậm chí là các loại hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi kém chất lượng,...
"Nếu tôi đi mua nội thất về trang trí, ngoài lĩnh vực đồ gỗ - chuyên môn của tôi, thì các sản phẩm khác cũng khó lựa chọn vì không có kinh nghiệm, hiểu biết và thiếu thông tin về sản phẩm. Việc này với người tiêu dùng bình thường còn khó hơn", ông Đoàn Quang Hưng, Trưởng phòng Makerting Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Xây dựng V-Home đã từng chia sẻ trên báo chí.
Nếu IKEA vào Việt Nam, chưa cần nói đến giá cả, ít nhất người Việt sẽ có thêm một lựa chọn an tâm hơn khi mua sắm.
IKEA, đối thủ đủ sức làm thị trường chao đảo
Từ trước đến nay, phân khúc sản phẩm của IKEA phù hợp cho các dạng nhà căn hộ, nhà nhỏ và nội thất hiện đại giá vừa phải. TPHCM hay Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang đi vào quỹ đạo này.
Dù một số ý kiến cho rằng sản phẩm IKEA có chất lượng không quá xuất sắc so với hàng Việt Nam nhưng như vậy lại đáp ứng được nhu cầu của những người trẻ hiện nay, thích thay đổi, thích cái mới. Với những người trẻ, thiết kế đơn giản, đẹp mắt, chú trọng tới công năng sử dụng còn chất lượng chỉ cần tầm tầm, vài năm thay một lần mới là những gì họ hướng tới.
"Đánh giá chung hiện nay thì tỉ lệ thích xài bàn ghế xoan đào 50 năm và tỉ lệ xài nội thất sau 5 năm thay design mới ở Việt Nam là 4/6, nghiêng về sự thích thay đổi. Nhìn bình luận của người Hà Nội đi đổ xăng ở cây xăng Nhật là biết rằng có thị trường rộng dành cho IKEA", một người trong ngành nội thất cho biết.
Về mặt giá cả, người này dự đoán sản phẩm IKEA không hề rẻ nếu so với hàng nội thất bình dân ở Việt Nam, tuy nhiên mức giá đó bao gồm cả các dịch vụ bảo hành mà những sản phẩm hàng “chợ” không làm được. Chưa kể, IKEA có thể đi theo con đường của Zara, H&M, là mặt hàng bình dân của nước ngoài nhưng về Việt Nam lại được ưa chuộng, coi như sản phẩm cao cấp.
"Hiện nay nhà mẫu tại các chung cư cao cấp có sử dụng đồ IKEA khá nhiều, giống như Camry tại sao là xe bình dân ở Mỹ nhưng là xe hạng sang ở Việt Nam".
Không chỉ hội tụ các yếu tố đáp ứng nhu cầu của một thị trường tiêu dùng đang lên, nhìn trên bình diện rộng hơn, IKEA có thể khiến các đổi thủ nội e dè bởi chiến lược kinh doanh đầy hiệu quả của mình. Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, doanh thu của IKEA chưa bao giờ đi xuống ngay cả trong thời điểm cả thế giới đang đối mặt với khủng hoảng những năm 2007, 2008.
Thậm chí, tại thị trường Trung Quốc, cùng là các sản phẩm yêu cầu tự tay lắp ráp, IKEA vẫn đánh bật đối thủ Home Depot nhờ quá trình đi sâu nghiên cứu thị trường và điều chỉnh linh hoạt mô hình để đáp ứng nhu cầu người dùng.
Rõ ràng nếu IKEA vào Việt Nam, người tiêu dùng trong nước có thể vỗ tay ăn mừng, còn các doanh nghiệp nên có phương án ngay từ bây giờ trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Lợi nhuận Digiworld năm 2018 đạt gần 110 tỷ đồng, tăng trưởng gần 40%
- CEO Nguyễn Thị Phương Thảo: Vietjet đóng góp 70% vào tăng trưởng ngành hàng không
- Alibaba tham vọng làm Nhà cung cấp công nghệ cho doanh nghiệp toàn cầu
- Chỉ 3 năm nữa thôi, chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến không khoan nhượng giữa Amazon và Alibaba tại thị trường Việt Nam?
- Nagakawa và sự khẳng định đầy tự tin khi ra nhập thị trường gia dụng Việt
- Từ chuyện "Hộp Cao sao vàng 2.000 đồng bán trên Amazon 7 USD, chiếc nón lá rao bán giá gấp 10 lần", DN Việt sẽ hưởng lợi lớn khi Amazon hợp tác với Việt Nam?
- Bộ Công thương hợp tác Amazon, doanh nghiệp Việt đón 'cuộc chơi lớn'
- Doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận 300 triệu khách hàng trên Amazon
- Nikkei: Từ xe máy đến điện thoại, hàng “Made in Vietnam” phát triển nhờ trợ lực từ doanh nghiệp ngoại
- Hàng Việt sẽ bớt long đong